Bài 2: Đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự

Giám sát tình hình oan sai - Bảo vệ Công lý và Quyền con Người (P2)

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan sai nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là do công tác điều tra, thu thập chứng cứ yếu kém, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Sáng 24/12/2019, Viện KSND thành phố Nha Trang tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai, phục hồi danh dự cho ông Thái Xuân Đàn bị oan sai trong 18 năm. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ Quốc hội có chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Để thực hiện hoạt động này hiệu quả, các đại biểu Quốc hội, các thành viên trong Đoàn giám sát cần phải có sự quyết liệt và công tâm, thúc đẩy giải quyết vụ việc đến cùng, tìm ra sự thật và đem lại công bằng cho những người bị hàm oan.

Qua các kỳ giám sát, về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Các cơ quan đã khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Do đó tình hình oan sai đã được hạn chế so với trước đây. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, việc phòng, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.

Bài 2: Đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự

Theo thống kê của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 3 năm (2011-2013), các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can. Trong đó, có 71 trường hợp làm oan người vô tội (chiếm 0,02%), bao gồm Cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi tội phạm; Viện Kiểm sát đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội; Tòa án tuyên 19 trường hợp không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Số người bị oan chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn; loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội Lừa đảo, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Một số trường hợp làm oan khác là do người tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật đơn thuần, chỉ chú ý đến hậu quả xảy ra, không xem xét lỗi và điều kiện khách quan dẫn đến hành vi vi phạm trong các trường hợp như gây thương tích nhẹ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…

Đáng chú ý có tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, có dấu hiệu làm oan người vô tội.

[Hai nạn nhân bị án oan giết người được bồi thường hơn 2,745 tỷ đồng]

Điển hình như vụ Trần Văn Đề (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) bị khởi tố, bắt giam về “Tội không chấp hành bản án” là sai, có dấu hiệu làm oan.

Bởi vì bản án dân sự có hiệu lực pháp luật có những sai sót; trong đó có nội dung buộc ông Đề phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Năng trái với Luật Đất đai. Vì vậy, ông Đề không thể thi hành bản án đó (trách nhiệm này thuộc Ủy ban nhân dân huyện Chơn Thành).

Vụ Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh (Ban quản lý chợ Đồng Xoài, Bình Phước) đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật được hơn 3 năm nhưng sau đó vẫn bị khởi tố về "Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là sai, có dấu hiệu làm oan vì đã xử lý 2 lần cùng một hành vi vi phạm pháp luật.

Trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) bị kết án oan về Tội giết người, Cướp tài sản, Đoàn giám sát của Quốc hội xác định sai sót là do quá trình khám nghiệm hiện trường có thu giữ dấu chân nhưng không tiến hành giám định dấu vết chân này để truy nguyên cá biệt, xác định chính xác người có mặt tại hiện trường (sau này giám định lại thì không phải là dấu chân của ông Chấn mà chính là dấu chân của hung thủ Lý Nguyễn Chung); bỏ qua chứng cứ ngoại phạm khác rất quan trọng là tại thời điểm xảy ra vụ án có 2 nhân chứng xác nhận ông Chấn còn bấm giùm điện thoại cho người khác gọi. Sau 10 năm, ông Chấn mới được minh oan.

Trong hoạt động giám sát vụ án này, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an không để Công an tỉnh Bắc Giang điều tra tiếp mà giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an rút hồ sơ và trực tiếp điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trực tiếp kiểm sát điều tra để đảm bảo khách quan.

Mặt khác, việc điều tra lại phải dựa trên những bằng chứng, sự thật khách quan, nếu không đủ căn cứ phạm tội thì phải đình chỉ điều tra ngay cho ông Chấn, không đợi kết quả điều tra Lý Nguyễn Chung (người mới ra đầu thú trong vụ án đó); tuyệt đối không được dùng nguyên tắc suy đoán có tội theo hướng nếu không chứng minh được Chung phạm tội thì tội phạm chính là ông Chấn.

Đồng thời, bà Lê Thị Nga cũng đề nghị Cơ quan điều tra khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ thông tin ông Chấn bị bức cung, nhục hình và những hành vi có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp; Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao rà soát lại tất cả vụ hình sự kêu oan, đặc biệt là các vụ tử hình, tránh tình trạng khi phát hiện ra oan thì đã bị thi hành án.

Qua giám sát cho thấy tại một số địa phương, việc thu thập dấu vết, tài liệu chứng cứ và việc lập hồ sơ vụ án hình sự còn nhiều thiếu sót, vi phạm.

Công tác điều tra, thu thập chứng cứ đối với loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm và giết người không quả tang còn yếu kém, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan sai nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội được cử tri đặc biệt quan tâm và ủng hộ. Đồng hành cùng công tác này của Quốc hội còn có hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đại diện cho tiếng nói cử tri, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân./.

Bài 1: Ánh sáng cuối đường hầm của những tù nhân chịu án oan

Bài 3: Ngăn chặn hình thành các 'điểm nóng,' phòng ngừa oan sai

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục