Ngày 18/6, khóa họp lần thứ 56 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khai mạc với sự tham dự của đại diện 47 nước thành viên và hơn 100 nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva.
Phát biểu khai mạc, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã trình bày Báo cáo của Cao ủy về tình hình nhân quyền hằng năm.
Ông Volker Türk đặc biệt chỉ trích các cuộc xung đột và nội chiến trên thế giới, gây ra những hậu quả tàn khốc và hết sức nặng nề cho nhân loại.
Số liệu của Liên hợp quốc vào năm 2023 cho thấy số dân thường thiệt mạng đã tăng tới 72% so với năm trước, trong đó tỷ lệ phụ nữ thiệt mạng đã tăng lên gấp đôi và trẻ em bị sát hại tăng gấp ba.
Bên cạnh đó, xung đột còn tàn phá phần lớn cơ sở vật chất và ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của nhiều người, cùng với đó là sự coi thường và vi phạm rộng rãi nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế của các bên tham gia xung đột.
Ngoài ra, thế giới còn đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề và thách thức lớn đối với quyền con người do quá trình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học, cũng như sự bất bình đẳng và phân cực ngày càng gia tăng...
Ông Türk kêu gọi các nước cần hành động và phối hợp chặt chẽ để xây dựng trở lại nền hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế xây dựng cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả.
Ông Türk kêu gọi các nước ưu tiên đặt các vấn đề về nhân quyền vào trung tâm của công tác xây dựng và bảo vệ hòa bình; xây dựng nền kinh tế nhân quyền, coi sự bình đẳng và tính bền vững làm yếu tố cốt lõi trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế; tăng cường và củng cố hệ thống nhân quyền… nhằm thúc đẩy đoàn kết quốc tế vì hòa bình, ổn định, công lý và bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách toàn diện, hiệu quả trên toàn thế giới.
Tại khóa họp, Việt Nam thay mặt Nhóm nòng cốt (gồm Việt Nam, Bangladesh và Philippines) chủ trì giới thiệu Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người, với chủ đề là "đảm bảo quyền con người trong quá trình chuyển đổi công bằng."
Nghị quyết về biến đổi khí hậu được Nhóm nòng cốt giới thiệu hàng năm kể từ năm 2009, để Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua, tập trung vào từng chủ đề cụ thể mỗi năm.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm nòng cốt phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần triển khai chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Khóa họp 56 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tiếp, dự kiến kéo dài từ ngày 18/6-12/7, gồm nhiều phiên đối thoại và thảo luận, như 4 phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc; 5 phiên thảo luận chuyên đề về các chủ đề; và 24 phiên đối thoại với các thủ tục đặc biệt; xem xét, thảo luận 72 báo cáo chuyên đề; thông qua Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của 14 nước.
Khóa họp sẽ tiến hành bổ nhiệm nhân sự cho 3 thủ tục đặc biệt. Dự kiến có 19 dự thảo nghị quyết sẽ được giới thiệu để Hội đồng Nhân quyền xem xét thông qua./.
Việt Nam tin tưởng vào việc tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ tới
Quốc tế đánh giá cao vai trò và tiếng nói cũng như khả năng kết nối, thúc đẩy trao đổi và đối thoại của Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.