Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong cộng đồng: Siết chặt nguồn cung

Các sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, được gọi chung là thuốc lá mới, sẽ chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt nếu được lưu hành hợp pháp, tránh tình trạng mua bán tràn lan, phi pháp.
Các sản phẩm thuốc lá mới phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt nếu được hợp pháp hóa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, bao gồm nhiệm vụ đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Quy định này cũng bao gồm ngăn ngừa việc trẻ vị thành niên mua bán thuốc lá theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Quyết định này cho thấy các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, được gọi chung là thuốc lá mới, sẽ chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt nếu được lưu hành hợp pháp, tránh tình trạng mua bán tràn lan, phi pháp trong cộng đồng.

Để đáp ứng nhu cầu của Chính phủ, đòi hỏi cần có cơ chế quản lý phù hợp với thực tiễn từ các cơ quan ban ngành chức năng, đi cùng với các hình thức giám sát chặt chẽ và chế tài nghiêm minh đối với các bên cung cấp.

Chỉ người hút thuốc lá hợp pháp mới được mua

Việc mua và bán thuốc lá điếu tràn lan trong cộng đồng gây khó khăn trong việc kiểm soát cũng như khiến ban ngành chức năng lo ngại khi các sản phẩm thuốc lá mới có mặt trên thị trường.

Nếu không được quản lý nghiêm ngặt, các sản phẩm này sẽ trở thành gánh nặng cho ngành y tế trong bối cảnh tỷ lệ cai thuốc tại Việt Nam là rất thấp.

Việc cho phép lưu hành hợp pháp dưới sự giám sát của Chính phủ, hoặc cấm từ trong "trứng" các sản phẩm thuốc lá mới đang được nhiều bộ ngành thảo luận. Một trong hai phương án trên đều có thể đáp ứng yêu cầu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, nhưng lựa chọn nào mới đạt được sự cân bằng lợi ích của các chủ thể liên quan, kể cả người hút thuốc?

Rõ ràng, thuốc lá mới không phải là những sản phẩm an toàn tuyệt đối vì vẫn có chứa nicotine gây nghiện. Nhưng để quyết định cấm hay đưa vào quản lý, theo các chuyên gia, Việt Nam cần xem xét toàn diện về góc độ pháp lý, quyền lợi người dùng, cũng như tính khả thi của việc loại trừ hoàn toàn sản phẩm này ra khỏi cộng đồng, bởi chúng đã hiện diện trên thị trường từ nhiều năm qua dù chưa được hợp pháp hóa. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét góc độ kinh tế và xã hội khác liên quan đến vấn đề tội phạm buôn lậu.

[Chia sẻ gánh nặng với ngành y tế để kiểm soát hiệu quả thuốc lá mới]

Một khía cạnh quan trọng khác đã được xem xét ở nhiều nước tiên tiến là việc cần có chiến lược kiểm soát đối tượng được phép mua thuốc lá.

FDA Hoa Kỳ đã yêu cầu các công ty cung cấp thuốc lá mới đưa ra các bằng chứng chứng minh người mua hiểu đúng tác hại của thuốc lá trên bao bì, cảnh báo sức khỏe, đồng thời có biện pháp ngăn chặn các đối tượng không được phép sử dụng.

Cách này cho thấy sự phối hợp chặt chẽ của nhà quản lý và doanh nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ giới trẻ và cộng đồng. Hệ thống pháp luật hiện hành cho phép xử phạt tất cả những hành vi cung cấp, mua bán, sử dụng thuốc lá trong đối tượng vị thành niên.

Ngược lại, để thuyết phục được các nhà quản lý, các doanh nghiệp cung cấp thuốc lá mới phải có phương thức cụ thể ngăn chặn giới trẻ và chứng minh được hiệu quả, bên cạnh các bằng chứng khoa học xác định sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp có khả năng giảm hàm lượng các chất gây hại thấp hơn so với thuốc lá điếu.

Công nghệ có thể giúp chặn giới trẻ tiếp xúc thuốc lá mới

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành đã đủ điều kiện để xử phạt giới trẻ chưa đủ 18 tuổi mua bán, sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy phạt người bán thì dễ, nhưng với người mua dù có luật nhưng vẫn rất khó để theo dõi và xử phạt. Chính vì vậy, nếu thuốc lá mới được cung cấp hợp pháp, các công ty phải cùng Chính phủ đưa ra phương án xử lý.

Philip Morris International (PMI), một trong những nhà sản xuất và cung cấp thuốc lá mới, đã công bố chính thức trên website công ty về công nghệ giúp ngăn chặn giới trẻ tiếp cận và giảm thiểu việc sử dụng ngoài ý muốn.

Từ năm 2020, công ty đã thử nghiệm công nghệ xác minh độ tuổi bên cạnh việc trực tiếp kiểm tra giấy tờ tùy thân, tại các kênh bán hàng trực tuyến ở New Zealand và Corsica. Để kích hoạt sản phẩm không khói, người dùng phải chứng minh độ tuổi bằng các dữ liệu đáng tin cậy.

Sau khi hệ thống xác định người mua đủ độ tuổi, người dùng mới có thể sử dụng sản phẩm, và đặc biệt còn có thể khóa sản phẩm để tránh việc sử dụng ngoài ý muốn đối với các thành viên chưa đủ tuổi trong gia đình.

PMI khẳng định sản phẩm được thiết kế để tạo động lực cho người đang nghiện thuốc lá sớm chuyển đổi sang các giải pháp giảm tác hại trên cơ sở loại bỏ những hương vị, kiểu dáng có tính chất hấp dẫn giới trẻ.

PMI công bố trên website công nghệ giúp ngăn chặn giới trẻ tiếp cận và giảm thiểu việc sử dụng ngoài ý muốn.

Các khảo sát ghi nhận việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thuốc lá mới phải có trách nhiệm trong thương mại nhằm mục đích ngăn chặn giới trẻ, đã để lại những kết quả tích cực.

Tại Anh, khảo sát năm 2021 cho thấy giới trẻ sử dụng thuốc lá làm nóng chỉ 0,9% độ tuổi từ 11-18 tuổi, dù sản phẩm này đã có mặt từ năm 2015.

Tại Mỹ, nghiên cứu năm 2019-2020 trên 150.516 học sinh trung học ở California cho thấy mặc dù 8,9% các em học sinh có biết về thuốc lá làm nóng, nhưng chỉ 0,67% dùng thử và chỉ 0,2% là người dùng hiện tại.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 cho thấy chính phủ quyết tâm cao độ trong việc thực thi Công ước FCTC mà Việt Nam là thành viên tích cực.

Mục tiêu cao nhất của chiến lược chính là sự nỗ lực của bộ ngành liên quan trong việc ngăn chặn tình trạng tiêu thụ thuốc lá trong cộng đồng, dù là thuốc lá điếu hay thuốc lá mới.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước đi trước cho thấy, nếu các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm được kiểm soát hợp lý, kết hợp với khung hành lang pháp lý phù hợp sẽ góp phần giải quyết được bài toán mà Chính phủ đặt ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục