Gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Trường đại học khó gọi thí sinh thay thế

Các trường đại học cho biết thí sinh đỗ bằng điểm gian lận sẽ bị buộc thôi học, nhưng cơ hội vào trường cho những thí sinh bị chiếm chỗ bởi thí sinh gian lận là rất khó.
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Kết quả điều tra của Bộ Công an và chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, có 64 thí sinh tại Hòa Bình đã được can thiệp nâng điểm trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018. Trong đó, có thí sinh được nâng tổng điểm ba bài thi lên đến 26,45 điểm. Sau khi cập nhật điểm thật, trong số 64 thí sinh này, có em thậm chí không đủ điểm đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông.

Không thể gọi thêm thí sinh nhập học

Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo (Bộ Công an), cho biết Cục Đào tạo sẽ rà soát trong 64 trường hợp này, không loại trừ có trường hợp trúng tuyển vào trường công an.

“Nếu có, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc quy chế thi của Bộ Giáo dục và Bộ Công an là hủy kết quả thi và đương nhiên thí sinh đó không đủ điều kiện học tập tại trường công an nhân dân,” ông Giám cho biết.

Cũng theo Thiếu tướng Bùi Minh Giám, mặc dù thí sinh trúng tuyển vì gian lận sẽ bị buộc thôi học nhưng cũng không thể gọi thêm các thí sinh đã trượt vì bị các thí sinh gian lận chiếm chỗ.

“Theo Điều 2 của Quy chế tuyển sinh thì các trường có thể tuyển nhiều đợt trong năm và kết quả phải báo bộ trước ngày 31/12, nhưng giờ đã là tháng 3/2019. Mặt khác, thời điểm này, các trường đã gần kết thúc năm học thứ nhất nên không thể tuyển bổ sung,” Thiếu tướng Bùi Minh Giám nói.

[Hoàn tất kết luận điều tra về vụ nâng điểm thi tại tỉnh Hòa Bình]

Giống như các trường công an, đại diện Đại học Y Hà Nội cho biết, trường đang chờ đợi thông tin chính thức từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình và sẽ đối chiếu với danh sách trúng tuyển của trường.

Theo giáo sư Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, trong trường hợp có thí sinh không đạt, dù là số lượng nhỏ, trường cũng sẽ xử lý đúng quy chế để đảm bảo công bằng và nghiêm túc.

Về việc có tuyển bổ sung trong trường hợp phát hiện thí sinh gian lận hay không, ông Tú cho hay nhà trường sẽ xem xét số lượng thí sinh này nhiều hay ít.

“Nếu chỉ một, hai em thì về mặt kỹ thuật là rất khó, vì một đường cắt điểm thì có thể có tới hàng chục thí sinh. Hơn nữa, hiện nay đã qua gần một năm học nên nếu thí sinh mới vào trường cũng sẽ không thể theo được,” ông Tú chia sẻ.

Giảng đường đại học là giấc mơ của rất nhiều học sinh trung học phổ thông. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Cần hướng dẫn rõ ràng hơn

Phó giáo sư Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Phụ trách Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, sau khi có thông tin về kết quả xác minh và điều tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có công văn thông báo cho các trường cách thức làm thế nào.

Ông Tớp cho biết, trong các năm trước đây, chỉ có trường hợp thí sinh vi phạm quy chế trong lúc thi. Tuy nhiên, trường hợp ở Hòa Bình là vi phạm trong khi chấm thi. Nếu xử lý theo hướng đưa kết quả về đúng giá trị thực thì đặt vấn đề điểm của thí sinh có đủ điều kiện trúng tuyển hay không? Nếu xử lý theo hướng hủy kết quả bài thi thật cũng không được xét nữa.

“Việc xử lý như thế nào chính là hình thức răn đe sai phạm tiềm ẩn với cả người học, phụ huynh, và người làm công tác chấm thi, coi thi. Với tính chất quan trọng như vậy nên cần phải làm cẩn trọng,” Phó giáo sư Trần Văn Tớp nhận định.

[Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Nên trả điểm thật hay hủy bỏ bài thi?]

Cũng theo ông Tớp, thí sinh nếu có học lực kém và trung bình không nên đăng ký vào Đại học Bách khoa vì trường đòi hỏi chất lượng đào tạo cao và khắc nghiệt.

“Tôi nghĩ các thí sinh gian lận cũng không dám đăng ký vào Bách khoa, tuy nhiên trường cũng sẽ cẩn trọng rà soát, không loại trừ nguy cơ. Điều này cũng để cho các thí sinh thực sự trung thực không bị oan,” ông Tớp nói.

Trong khi đó, theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ tiến hành chấm thẩm định theo đề nghị của Bộ Công an. Theo Quy chế thi, sau khi chấm thẩm định, kết quả chấm thẩm định sẽ là điểm cuối cùng của thí sinh. Vì thế, Bộ đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cập nhật lại điểm thật cho các em. Về việc có vi phạm quy chế trong chấm thi, can thiệp vào bài làm sau khi thi là vấn đề phức tạp do Bộ Công an phụ trách điều tra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục