Ngày 30/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý cho Chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, với sự tham gia của các cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo.
Theo dự thảo Chiến lược, ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và của thế giới vào năm 2045. Mục tiêu đào tạo người học trở thành công dân yêu nước, tự hào dân tộc, có đạo đức kỷ luật, ý thức trách nhiệm xã hội; có kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Chiến lược tập trung thực hiện các nhóm giải pháp bao quát từ về cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đến phát triển đội ngũ, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá...
Tiến sỹ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đất nước nói chung và ngành Giáo dục nói riêng đã, đang đổi mới rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Vì vậy, việc định hình chân dung học sinh trong giai đoạn mới rất cần thiết, trong đó cụ thể những tố chất, năng lực và phẩm chất đáp ứng sự phát triển của xã hội. Mặt khác, Chiến lược cần xem xã hội hóa giáo dục là giải pháp đột phá đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư cho giáo dục để có giải pháp phát huy.
Từ góc độ trường đại học, Tiến sỹ Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho rằng, mục tiêu phát triển giáo dục của thành phố cần hướng đến phát triển toàn diện con người hơn. Hiện nay, giáo dục mới tập trung phát triển trí lực. Vấn đề phát triển nhân cách và thể lực chưa được chú trọng đúng mức.
[Ngành giáo dục TP.HCM phát huy chuyển đổi số trong giai đoạn COVID-19]
Việc đầu tư cho cơ sở vật chất, chương trình... phát triển thể lực trong các trường học còn chưa đồng bộ. Đồng thời, Chiến lược giáo dục cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề xây dựng nhà trường, văn hóa học đường; cần có thêm giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chú trọng đầu tư cho các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên để tăng chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo giáo viên...
Góp ý tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Chiến lược cần nêu bật nét riêng mang tính đặc thù của thành phố, nhất là phát huy được thế mạnh của học sinh thành phố về năng lực công nghệ thông tin và ngoại ngữ.
Cùng với đó, các đại biểu cho rằng, cùng với các chính sách phát triển giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, Chiến lược cần có những chính sách ưu tiên cho bậc học mầm non bởi đây là bậc học có tính đặc thù và nhu cầu xã hội rất lớn.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Thành phố luôn đảm bảo mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu. Do đó, Chiến lược phát triển giáo dục của thành phố cần hài hòa, toàn diện từ bậc mầm non đến phổ thông, đại học và sau đại học, tạo ra hệ thống phát triển toàn diện. Xây dựng Chiến lược, ngành Giáo dục thành phố cần xác định tầm nhìn, quan điểm xuyên suốt để từ đó có những biện pháp, kế hoạch, chương trình hiện thực hóa tầm nhìn đó.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng, trong xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục, thành phố cần xác định rõ hình ảnh, các yêu cầu về kỹ năng, phẩm chất của con người trong tương lai.
Trên cơ sở dự báo quy mô dân số, đặc điểm, các mục tiêu chiến lược quốc gia, thành phố xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp thực hiện phù hợp. Trong đó, Thành phố cần tập trung chuẩn bị các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các nội dung Chiến lược đề ra. Đặc biệt, Thành phố cần đặt quyết tâm để có giải pháp đột phá kéo giảm sĩ số học sinh/lớp, phấn đấu thực hiện 30-35 học sinh/lớp để phát huy hiệu quả phương pháp dạy học tích cực.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 4.000 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp với hơn 1,7 triệu học sinh, cùng hơn 500.000 sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Thành phố đảm bảo chỗ học cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường, công tác phổ cập giáo dục được duy trì ổn định và phát triển.
Hiện quy hoạch và quản lý mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất của thành phố chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, sỹ số học sinh/lớp còn cao so với quy định, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chưa đạt chỉ tiêu, trang thiết bị dạy học hiện đại chưa được đầu tư đồng bộ... Do đó, việc triển khai giáo dục toàn diện, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm gặp nhiều khó khăn.
Đội ngũ nhà giáo thành phố thời gian qua không ngừng phát triển, đảm bảo về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay còn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về cơ cấu, một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học dẫn đến việc chưa theo kịp yêu cầu đổi mới trong giáo dục và hội nhập quốc tế./.