Giáo sư Trình Quang Phú giao lưu với giáo viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp ra mắt cuốn bút ký "Theo dấu chân Người." (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Trình Quang Phú: Viết về Bác Hồ không bao giờ là đủ

Giáo sư Trình Quang Phú có một sự nghiệp văn chương đồ sộ, trong số đó có nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cho rằng viết về Bác thì không bao giờ là đủ.

Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển phương Đông, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh ra trên mảnh đất Phú Yên. Kể từ năm 12 tuổi, cậu học trò nhỏ đã trèo đèo, lội suối, bơi biển làm liên lạc cho cách mạng rồi xa quê, tập kết ra Bắc.

Gần suốt cuộc đời, ông nỗ lực lực không ngừng với nhiều nhiệm vụ khác nhau từ chiến tranh sang thời bình, từ một người lính cầm bút, cầm máy ảnh đến một người được Đảng, Nhà nước phân công giữ nhiều cương vị ở nhiều lĩnh vực: Báo chí, văn học, khoa học, kinh tế, ngoại giao, chính trị… Trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ nào, ông cũng tận hiến hết sức mình.

Đặc biệt, ông đã có đến 7 đầu sách về Bác Hồ kính yêu. Năm nay, nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và 55 năm thực hiện Di chúc của Bác (1969-2024), ông tiếp tục cho ra mắt tập bút ký “Theo dấu chân Người” ghi lại hành trình 30 năm bôn ba nước ngoài của Bác.

Những kỷ niệm không quên về Bác

Trong cuốn bút ký “Còn với non sông một chữ tình” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), Giáo sư Trình Quang Phú đã kể nhiều kỷ niệm thiêng liêng về Bác Hồ.

Ngày Quốc khánh 2/9/1955, lần đầu tiên Nhà nước tổ chức duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Đoàn thiếu sinh quân miền Nam được trông thấy Bác trong dịp này.

Nhà văn Trình Quang Phú (bìa phải, đeo máy ảnh) cùng nhóm cán bộ Báo Tiền Phong chuẩn bị vào chiến trường năm 1968. Nhà văn Sơn Tùng đứng thứ hai từ trái sang. (Ảnh: NVCC)

Năm 1957, Trình Quang Phú đang học ở trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc thì nhặt được một chiếc bút máy rất quý, liền đem nộp thầy Hiệu trưởng Dương Văn Diêu nhờ trả lại người đánh rơi. Các thầy trong trường đã báo cáo vụ việc lên cấp trên và việc này được báo cáo đến Bác Hồ. Sau đó, cậu học trò Trình Quang Phú đã được nhận huy hiệu của Bác vì là học sinh thật thà, dũng cảm. Thời điểm đó, Bác có chủ trương tặng Huy hiệu cho các học sinh có thành tích đặc biệt.

Năm 1968, từ mặt trận Khe Sanh-Quảng Trị trở về miền Bắc, Trình Quang Phú được cử tham gia đoàn đại biểu thanh niên-sinh viên giải phóng miền Nam đi dự Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới ở Sofia, Bulgaria cùng đại biểu 134 quốc gia khác. Khi đoàn Việt Nam gồm 70 người trở về Hà Nội đã vinh dự được Bác Hồ tiếp. Thấy đoàn đông, Bác bảo cháu nào là “giải phóng” thì vào gần đây, các cháu làm công tác miền Nam nhưng không ở chiến trường thì ở vòng ngoài.

Ông Trình Quang Phú còn nhớ lúc đó Anh hùng Huỳnh Thúc Bá, Dũng sỹ diệt Mỹ Trần Thị Bưởi, Đặng Phi Thưởng và các anh chị ở chiến trường về được đứng gần quanh Bác. Ông Trình Quang Phú tuy có tham gia chiến trường Khe Sanh, nhưng lại là cán bộ Ban miền Nam làm công tác đối ngoại cho miền Nam ở Hà Nội nên đứng ở vòng ngoài.

Bác thấy Trình Quang Phú mặc quân phục giải phóng đang loay hoay chụp ảnh, liền hỏi: “Cháu là phóng viên ở Khe Sanh vừa đạt Huy chương Vàng Đại hội phải không?”

“Chưa kịp trả lời thì Trưởng đoàn Trần Văn Tư thưa chuyện với Bác. Bác vẫy tay cho tôi vào gần và bảo ‘Huy chương Vàng Đại hội tặng cháu cũng là tặng cho các hành động dũng cảm chiến đấu của đồng bào chiến sỹ miền Nam’ rồi Bác dặn cố gắng có nhiều hình ảnh về cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân miền Nam hơn nữa,” ông Trình Quang Phú nhớ lại.

Một lần khác, vào dịp Tết, Bác gọi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Thị Kiều, Trần Dưỡng và một số thiếu nhi về vui Tết với Bác. Ông Phú nhớ rằng hôm đó có cả các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Tố Hữu. Ông Phú vừa chụp ảnh Bác với các cháu miền Nam xong thì Bác bảo: “Hồng Phú (tức Trình Quang Phú) đưa máy cho chú cảnh vệ bấm giùm, cháu vào chụp chung một kiểu...”

“Tôi cảm động vì lần đầu nghe Bác gọi tên mình và vô cùng lúng túng, Bác chỉ vào đồng chí Tố Hữu và nói ‘nhà báo ngồi gần nhà thơ’. Anh Tố Hữu xích ra chừa cho tôi một chỗ. Vậy là tôi có bức ảnh lịch sử với Bác Hồ, Bác Tôn,” ông Phú xúc động kể.

‘Không viết là có tội với lịch sử’

Giáo sư Trình Quang Phú đã có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó cuốn “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” đã tái bản 22 lần; “Đường Bác Hồ đi cứu nước” tái bản 17 lần.

Nhìn lại chặng đường sáng tác của mình, ông cho hay năm 1962, khi đang là thông tin viên của Báo Tiền Phong, ông đã đến Nghệ An lần đầu tiên và viết về làng Sen quê Bác.

Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Trình Quang Phú hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển phương Đông. (Ảnh: NVCC)

Đến năm 1968, ông được cử vào mặt trận Khe Sanh. Trong chuyến đi này, ông gặp nhà văn Sơn Tùng, lúc đó là Trưởng đoàn của Báo Tiền Phong vượt Trường Sơn vào Trung ương Cục để xây dựng Báo Thanh niên Giải phóng.

Nhà văn Sơn Tùng đã chia sẻ tâm nguyện là được viết về Bác Hồ mà ông Trình Quang Phú vẫn còn nhớ câu nói của nhà văn: “Đời Bác, bên cạnh một con người giản dị là một Bác Hồ đầy huyền thoại và bí ẩn. Chúng ta không viết thì không ai biết được. Không viết là có tội với lịch sử đấy.”

“Anh còn nói với chúng tôi rằng phải cố gắng sống để trở về, và viết về Bác. Chính những lời nói đó đã góp phần thôi thúc tôi viết nhiều tác phẩm về Bác,” ông Trình Quang Phú nói.

Một số tác phẩm của Giáo sư Trình Quang Phú về Bác Hồ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày Bác mất, ông Phú được giao nhiệm vụ ra Sân bay Gia Lâm đón đoàn đại biểu miền Nam, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu về thọ tang Bác. Một đồng chí trong đoàn chuyển lời nhắn của bà Nguyễn Thị Định yêu cầu ông Phú viết về tình cảm của Bác với miền Nam, về lễ tang Bác gửi vào chiến trường. Các bài viết sau này được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng và được mọi người đánh giá là hay và xúc động. Được mọi người ủng hộ và động viên, ông Phú đã hoàn thành tập sách đầu tiên “Miền Nam trong lòng Bác.”

Giáo sư Trình Quang Phú cho rằng cuộc đời Bác là một kho tàng tư liệu vĩ đại, vậy nên viết về Bác thì không cần hư cấu, chỉ cần viết làm sao cho chân thật là đã đủ, đã đầy cảm xúc về Người.

“Viết về Bác bao nhiêu cũng cảm thấy không đủ. Cuộc sống, sức lao động, ý chí của Bác đều khiến chúng ta xúc động, phấn đấu làm việc và cống hiến không ngừng,” ông nói.

Mới đây, từ Thành phố Hồ Chí Minh, ông lại ra Hà Nội để giới thiệu cuốn sách “Theo dấu chân Người” tái hiện hành trình bôn ba năm châu bốn bể, đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1911-1941).

Theo tác giả Trình Quang Phú, sau khi tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” in lần đầu ở Nhà xuất bản Văn học năm 1996, ông đã mang sách đến tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người ông vẫn thường gọi một cách thân thương là “chú Tô.”

Trong cuộc trao đổi thân mật đó, chú Tô dặn tác giả: “Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài. Ba mươi năm tính từ ngày Bác rời Sài Gòn cho đến ngày Bác về nước là một kho tàng rất hấp dẫn đó cháu.”

Tác giả Trình Quang Phú ký tặng sách cho độc giả phía Nam. (Ảnh: NVCC)

Vậy là suốt một phần tư thế kỷ, ông Trình Quang Phú đã “theo dấu chân Bác” đến Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc..., có những nước như Pháp, Nga, ông đã đến hàng chục lần.

Nhà văn xúc động và thấy được khích lệ khi đi đến nước nào, ở thể chế chính trị nào, ông cũng cảm nhận được rằng người dân ở đó đều tôn trọng Bác, dành sự trân quý với Bác và họ tự hào khi đất nước họ in dấu chân Bác.

“Hy vọng tác phẩm sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin, tư liệu bổ ích và qua những trang sách này người đọc sẽ hiểu thêm, sẽ yêu, sẽ học tập phong cách, ý chí cao cả của Bác kính yêu,” nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ.

Nhận định về sáng tác bền bỉ của Giáo sư Trình Quang Phú, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu không có góc nhìn mới, tư liệu mới thì dễ bị nhàm chán. Nhưng nếu có tư liệu mới, góc nhìn mới lại dễ bị hoài nghi về tính xác thực của tư liệu, thậm chí vấp vào suy diễn quan điểm.”

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng Giáo sư Trình Quang Phú đã can đảm vượt qua những thách thức đó và khéo léo truyền tải những câu chuyện về Bác Hồ.

“Viết về lịch sử đã khó, viết về một nhân vật lịch sử mà mọi người đã biết như Bác Hồ càng khó. Bên cạnh đó, viết về Bác cần sự kính trọng và sự can đảm bền bỉ, và nhà văn Trình Quang Phú đã biến sự kính trọng thành hành động,” nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận định./.

Buổi ra mắt sách "Theo dấu chân Người" tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội. Trong ảnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ nhận định về tác phẩm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục