Đầu thế kỷ XX là một thời kỳ lịch sử quan trọng, đánh dấu sự giao thoa mạnh mẽ của văn hóa Việt-Pháp. Một thế hệ những trí thức xuất chúng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng được lịch sử ghi nhận là những con người đa văn hóa, từ Hán học chuyển sang Tây học.
Chân dung những nhà trí thức đó được khắc họa rõ ràng trong tập bút ký “Dọc đường,” tác phẩm mới ra mắt của nhà văn Nguyên Ngọc.
“Dọc đường” gồm hai phần cơ bản, một là những bài viết liên quan đến các hoạt động văn hóa văn chương của Nguyên Ngọc, hai là những đoạn trích từ cuốn hồi ký của đời ông.
['Yên Bái đêm đỏ lửa': Góc nhìn của sỹ quan Pháp về người Việt yêu nước]
Tác phẩm tập hợp 34 bài viết và ghi chép của ông về văn chương, giáo dục, con đường phát triển đất nước; cũng như các hồi ức và các chân dung văn học trên một hành trình sống đầy ắp trải nghiệm. Qua đó, nhà văn làm nổi bật sự giao thoa văn hóa Việt-Pháp đầu thế kỷ XX.
Ông khẳng định đầu thế kỷ XX, Việt Nam từng có được một thế hệ vàng. Chính những con người như vậy, vào một thời điểm chuyển động quan trọng của lịch sử, đã góp phần không hề nhỏ chuẩn bị tinh thần, trí tuệ, cả chí khí cho dân tộc để có được cách mạng thành công và chiến tranh giải phóng thắng lợi.
Mỗi bài đều đặt ra những vấn đề lớn: Trách nhiệm của người viết, dịch thuật và sự phát triển của dân tộc, sự vượt thoát của văn chương, những giá trị quá khứ bị lãng quên, tình yêu và chiến tranh, sự nghiệp giáo dục, con người tự chủ...
Sau các bài viết, ông đặt câu hỏi: “Vì sao thời ấy đất nước khó khăn hơn bây giờ biết bao nhiêu lần, mà lại xuất hiện được thế hệ đặc sắc ấy. Và bây giờ thì chưa có lại được. Vì sao? Có quy luật gì ở đây chăng?”
Cuối cùng, nhà văn lý giải rằng quy luật ở đây là nhất thiết phải đa văn hóa, phải tìm mọi cách để làm chủ được những đỉnh cao của văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cuốn sách này dẫu có sự tản mạn, vẫn làm nổi bật chân dung một con người rất động, mải miết xê dịch trong không gian địa lý và ráo riết dấn thân với những hoạt động văn hóa ở tầm nhìn xa rộng. Mỗi bài viết có thể xem là một câu chuyện độc lập với lối văn tinh tế, nhuần nhị.
“Nguyên Ngọc tự nhận là người ham sống, hơn bao giờ hết, tập sách này đã thể hiện sáng rõ một con người suy tư và luôn vận động không ngừng. Cuốn sách là sự tái hiện giữa không gian bên ngoài và những chiêm nghiệm nội tâm, đầy ắp vẻ đẹp của hoài niệm,” nhà phê bình nói.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách, Viện Pháp và Công ty Nhã Nam phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Giao thoa văn hóa Việt-Pháp đầu thế kỷ 20, dưới góc nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc” vào lúc 9h30 ngày 13/8 tại LeCafe, ngõ 2 Nguyên Hồng, Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân và tiến sỹ văn học Mai Anh Tuấn./.
Nguyên Ngọc (hay Nguyễn Trung Thành) sinh năm 1932 tại Đà Nẵng, nhưng chủ yếu sống ở Hội An và chịu ảnh hưởng sâu đậm của đô thị cổ này. Ông là một nhà văn, nhà báo, biên tập, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục nổi tiếng của Việt Nam. Từng là Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội; Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; Tổng biên tập báo Văn nghệ. Trong chiến tranh, ông chiến đấu chủ yếu ở Tây Nguyên và Quảng Nam. Với tư cách một dịch giả, ông dịch các công trình lý thuyết của Roland Barthes (“Độ không của lối viết”), Jean Paul Sartre (“Văn chương là gì”). Tác phẩm chính của ông gồm: “Đất nước đứng lên,” “Rẻo cao,” “Mạch nước ngầm,” “Rừng xà nu,” “Đường chúng ta đi,” “Đất Quảng,” “Có một con đường mòn trên biển Đông,” “Cát cháy,” “Tản mạn nhớ và quên,” “Các bạn tôi ở trên ấy”… |