Sau sự cố siêu tàu container Ever Given mắc cạn trong gần 1 tuần, tàu thuyền cuối cùng cũng đã lưu thông bình thường trên kênh đào Suez.
Tuyến đường biển huyết mạch của thế giới đã bị tắc nghẽn trong gần 1 tuần qua, với hơn 400 tàu thuyền phải neo đậu bên ngoài lối vào kênh đào.
YM Wish (mang cờ Hong Kong) là chiếc tàu đầu tiên di chuyển qua Kênh đào Suez sau khi tuyến đường này mở cửa trở lại. Khoảng 140 tàu đi qua kênh đào Suez trong ngày 31/3.
Nhà chức trách dự kiến sẽ mất ít nhất một tuần thì Kênh đào Suez mới trở lại hoạt động bình thường như trước đây, do số lượng tàu ùn tắc quá lớn.
Giới chuyên gia cảnh báo sự cố chưa từng có tiền lệ tại tuyến đường biển của Ai Cập sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với thương mại quốc tế. Nhiều bến cảng ở châu Âu có thể sẽ bị ùn tắc do tàu thuyền bắt đầu đổ đến sau thời gian mắc kẹt tại Kênh đào Suez.
[Ai Cập cam kết tránh tái diễn tình trạng đóng cửa kênh đào Suez]
Sau đó, các đơn vị quản lý bến cảng sẽ phải sắp xếp bốc dỡ hàng hóa theo thứ tự phù hợp và đưa hàng hóa mới lên tàu thuyền để vận chuyển đến nơi khác. Do đó, tốc độ vận chuyển hàng hóa có thể bị chậm lại đáng kể và tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng.
Trong vài tháng gần đây, giá vận chuyển hàng hóa đường biển đã tăng lên khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã cải thiện ở nhiều nơi khiến các nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Sự cố tàu Ever Given đã tiếp tục khiến giá vận chuyển tăng "phi mã" và điều này khiến các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu thêm nhiều chi phí phát sinh.
Không chỉ có vậy, sự cố tại kênh đào Suez khiến hàng hóa vận chuyển đến các nước châu Âu đều bị chậm chuyến. Nhiều hàng hóa trong đó có thể đã bị hư hỏng hoặc là không được bàn giao đúng thời điểm cần thiết, khi kỳ nghỉ lễ Phục sinh đã cần kề.
Điều này sẽ khiến một lượng hàng hóa không nhỏ trên các tàu thuyền trở nên vô giá trị. Không chỉ các doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều thiệt hại mà sự cố nói trên sẽ tạo ra thêm nhiều rắc rối liên quan đến vấn đề bảo hiểm và pháp lý trong một thời gian dài./.