Trong những ngày này, hòa chung với không khí đón chào ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, cán bộ, giáo viên vùng “rốn lũ” Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa dồn sức khắc phục hậu quả sau lũ, vừa tổ chức dạy bù, và xây dựng các hoạt động có ý nghĩa để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Gần ba tuần từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 năm nay, người dân vùng "rốn lũ" Hương Khê phải gánh chịu thiệt hại do ba trận lũ đi qua. Trường học, cán bộ, giáo viên và học sinh thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, nhiều ngày phải nghỉ học do nhà cửa, trường lớp, đường sá bị ngập lụt và chia cắt.
Sau ngày nước lũ rút, các trường học vùng "rốn lũ" thuộc các xã Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Đô, Hương Giang, Hương Xuân, Hà Linh, Lộc Yên, Gia Phố... vội vã làm vệ sinh môi trường, nạo bùn, thau chùi phòng học, rửa sạch các đồ dùng dạy học, bàn ghế..., khắc phục khó khăn để dạy dỗ học sinh thật tốt.
Ngay sau khi nước lũ rút, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hương Xuân cùng với chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh phối hợp lau dọn, sửa chữa nhà cửa, trường lớp để ổn định dạy và học. Nhiều giáo viên, học sinh phải vượt lũ đến trường trong niềm vui ngày trở lại, gặp đồng nghiệp, bạn bè.
Hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hương Xuân vừa tổ chức dạy bù, để đảm bảo kiến thức cho học sinh, đồng thời tổ chức ngày kỷ niệm thật ý nghĩa với chương trình “Hội chợ tuổi thơ." Thầy cô, các bậc phụ huynh và học sinh trưng bày nhiều gian hàng với những sản phẩm của đồng quê từ quả cam, quả na, củ hành, củ lạc đến những tác phẩm đồ chơi của trẻ do chính học sinh làm ra để trưng bày hội chợ.
Một ngày hội ấm cúng, ý nghĩa được nhà trường tổ chức như là sự tri ân nối rộng vòng tay tình cảm cô, trò và các bậc phụ huynh, tạo thêm niềm phấn khởi để việc giảng dạy, học tập thời gian tới tốt hơn.
Cô giáo Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trưởng Trường Tiểu học Hương Xuân nói trong niềm xúc động: "Mặc dù giáo viên, học sinh và phụ huynh vừa trải quả nhưng khó khăn vì lũ lụt, thiên tai, nhưng đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức ngày hội và rất thành công. Đó là sự chung tay của các bậc phụ huynh, các giáo viên ở trường và đặc biệt là tạo thêm động lực cho các em tiếp tục đến trường trước những thiếu thốn, vất vả."
Hương Khê là địa phương hằng năm phải đối mặt với lũ lụt nhưng không năm nào mưa lũ lại đeo đẳng và kéo dài như vừa qua. Mưa, lũ đã làm ngập lụt và thiệt hại 22 điểm trường ở các bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở, hàng chục điểm trường ngập sâu trong nước, hệ thống tường rào nhiều trường và nhiều phòng học bị hư hỏng nặng, các thiết bị đồ dùng dạy học, bàn ghế, sách vở bị hư hỏng.
Trên 4.000 học sinh bị trôi sách vở, dụng cụ học tập do nhà bị ngập lụt. Ước tính thiệt hại ngành giáo dục huyện Hương Khê hơn 10 tỷ đồng.
Sau lũ, với sự "tương thân tương ái" của nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay chia sẻ với nhà trường, thầy cô giáo và học sinh, khắc phục hậu quả để tiếp tục sự nghiệp trồng người.
Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng giáo dục huyện Hương Khê, cho biết chịu thiệt hại về cơ sở vật chất rất lớn nhưng được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, những tấm lòng thiện nguyện, cán bộ, giáo viên và học sinh dần vượt qua khó khăn để dạy và học. Ngành chỉ đạo các trường tiếp tục vừa khắc phục khó khăn vừa tổ chức dạy bù cho học sinh để đảm bảo đúng với chương trình.
Một trong những điểm trường gặp khó khăn nhất của huyện Hương Khê là Trường Tiểu học Hà Linh. Mưa lũ đã làm bàn ghế và nhiều đồ dùng bán trú bị hư hỏng nặng, bàn ghế văn phòng cùng nhiều tài liệu bị ướt, mái nhà thư viện bị sập hoàn toàn, thiệt hại trên 115 triệu đồng.
Nhiều ngôi nhà của giáo viên và học sinh bị hư hỏng do nước ngập dài ngày, đời sống nhiều phụ huynh học sinh gặp rất nhiều gian khổ. Trước những khó khăn vất vả đó, nhà trường đã từng bước khắc phục khó khăn, động viên từng gia đình phụ huynh vận động con em đến trường sau lũ để tiếp tục học tập.
Hiệu trưởng Lê Thị Hợi mong muốn các cấp, ngành ưu tiên hỗ trợ cho nhà trường về kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn để tổ chức giảng dạy có hiệu quả.
Các thầy cô giáo ở vùng "rốn lũ" Hương Khê vẫn miệt mài trên bục giảng để đem con chữ đến với đồng bào vùng lũ, mong muốn học trò của mình vượt qua khó khăn, vất vả, thiếu thốn để học tập thật tốt là mơ ước thầm lặng của những người cầm phấn nơi luôn chịu ảnh hưởng bởi thiên tai./.