Gìn giữ nét đẹp văn hóa trong trang phục Áo Bà ba của người dân Nam Bộ

Nhắc đến Áo Bà ba người ta nghĩ ngay đến vẻ đẹp mộc mạc, dịu dàng của người phụ nữ Nam Bộ; hình ảnh người con gái mặc Áo Bà ba, đội nón lá chèo thuyền tạo nét duyên dáng khó nơi nào có được.
Trình diễn Áo bà ba với chủ đề Áo Bà ba ra trận trong Đêm thời trang tại Cần Thơ. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 29/9, nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Áo Bà ba - Hậu Giang 2023 tại Công viên Tượng Bờ kè Xà No (thành phố Vị Thanh), tỉnh Hậu Giang đã tổ chức khai mạc Triển lãm tranh "Chiếc Áo Bà ba xưa và nay."

Triển lãm tập hợp trên 100 bức tranh mỹ thuật về Áo Bà ba từ truyền thống đến hiện đại; thể hiện những thiết kế đẹp, công phu, những giá trị nghệ thuật độc đáo, giá trị lịch sử.

Đây cũng là một trong những điểm nhấn trong Festival để đưa hình ảnh những chiếc Áo Bà ba đến gần hơn với đông đảo người dân.

Triển lãm nhằm góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống và phát huy những giá trị của chiếc Áo Bà ba trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Với chủ đề “Phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững,” Festival Áo Bà ba - Hậu Giang năm 2023 diễn ra từ ngày 29/9 đến ngày 1/10/2023 tại thành phố Vị Thanh là một trong các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang.

Festival Áo Bà ba-Hậu Giang năm 2023 diễn ra với nhiều hoạt động phong phú nhằm tôn vinh các giá trị của chiếc Áo Bà ba như Giao lưu Văn hóa “Áo Bà ba xưa và nay-Những cung bậc cảm xúc," Triển lãm tranh "Áo Bà ba xưa và nay;" Trình diễn Áo Bà ba với chủ đề "Nụ cười Hậu Giang"...

Không biết tự bao giờ nhắc đến Áo Bà ba người ta nghĩ ngay đến vẻ đẹp mộc mạc, thuần hậu, dịu dàng của người phụ nữ Nam Bộ. Đặc biệt là ở vùng miệt vườn, miệt ruộng của cùng sông nước Cửu Long, hình ảnh người con gái mặc Áo Bà ba đội nón lá chèo thuyền trên sông đã tạo nên nét duyên dáng mà không nơi nào có thể sánh được.

[Chia sẻ những cung bậc cảm xúc về chiếc áo bà ba xưa và nay]

Trải qua chiều dài của lịch sử, Áo Bà ba đã trở thành tâm hồn và không thể thiếu của làng quê Nam Bộ.

Có 2 giả thiết được quan tâm nhiều nhất về lịch sử ra đời và sự xuất hiện của Áo Bà ba ở miền Tây Nam Bộ. Chiếc Áo Bà ba được xác định xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 19, được cách tân từ áo của người dân đảo Penang (Malaysia) cho phù hợp với vóc dáng, nếp sinh hoạt của người Việt lúc bấy giờ.

Còn theo nhà văn Sơn Nam trong cuốn "Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam" có đoạn nói về Áo Bà ba như sau: "Áo Bà ba được du nhập vào khoảng cuối thế kỷ 19, Bà-ba là người Hoa lai người Mã Lai ở Mã Lai hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là Áo Bà ba."

Với cả 2 giả thiết này, thì có thế xác định Áo Bà ba Việt Nam đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, có thể từ thế kỷ 19. Áo Bà ba không phải là sản phẩm hoàn toàn được tạo ra bởi người dân Việt Nam mà qua quá trình giao thương, buôn bán, Áo Bà ba được ra đời từ sự cách tân một trang phục của một dân tộc khác.

Thế kỷ 19, Áo Bà ba được may chủ yếu bằng vải ú, vải sơn đầm, vải chéo go được nhập về Việt Nam và nhuộm màu vải từ lá bàng, vỏ trâm bầu cùng một số loại vỏ cây khác rồi phủ bùn để chống trôi màu khi chưa có thuốc nhuộm vải và kỹ thuật nhuộm vải hiện đại.

Đầu thế kỷ 20, nữ giới mặc thêm áo túi trong và nam giới mặc thêm áo lá, bên ngoài mặc Áo Bà ba. Cho đến những năm 1950 trở lại đây thì áo túi và áo lá không còn được sử dụng để làm áo lót nữa.

Ngày nay, Áo Bà ba truyền thống được cách tân nhiều để phù hợp với cuộc sống cũng như tư duy thẩm mỹ đương đại. Áo Bà ba hiện đại không rộng và thẳng áo như trước mà được chiết eo hơn, thể hiện rõ các đường cong trên cơ thể (đặc biệt là Áo Bà ba nữ).

Các chi tiết như cổ áo, khuy áo đều có những thay đổi nhất định theo từng kiểu áo, màu sắc và chất liệu sao cho hài hòa nhất. Do đó, ngày nay, Áo Bà ba có rất nhiều lựa chọn khác nhau cả về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng thay vì một kiểu dáng với hai màu đen và nâu truyền thống như xưa.

Ngày hội Áo bà ba với sự tham gia của hơn 200 phụ nữ của tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Miền Tây Nam Bộ cũng là khu vực có khí hậu nóng quanh năm nên Áo Bà ba được lựa chọn với các chất liệu mềm, mát, thấm hút mồ hôi tốt để cùng người dân tham gia lao động, cùng người dân đi khắp các dòng sông, con rạch mưu sinh, kiếm sống. Trong mọi lát cắt của đời sống thường ngày, Áo Bà ba luôn hiện diện như người bạn đồng hành không thể thiếu với tất cả người dân Nam Bộ.

Phải chăng vì sự gắn bó thân thiết đó mà Áo Bà ba đã toát lên sự mộc mạc, chất phác và phóng khoáng như chính tinh thần, tâm hồn của những người con Nam Bộ. Ngay cả trong chiến tranh gian khó, tấm Áo Bà ba vẫn hiện lên như là biểu tượng cao đẹp, kết tinh của quê hương xứ sở.

Người Việt Nam khi nhắc đến hình ảnh Áo Bà ba thường nhớ ngay về các bà, các mẹ, các chị ở miền Nam, đó là những con người vừa giản dị, mộc mạc lại dễ gần. Mỗi khi về vùng Nam Bộ bạn có thể nhìn thấy hình ảnh Áo Bà ba của những con người chèo thuyền, hoạt động sông nước.

Áo Bà ba cũng tượng trưng cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, mạnh mẽ trong các cuộc chiến tranh chống giặc và giữ nước. Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hình ảnh các bà, các mẹ, các chị với chiếc Áo Bà ba, khăn rằn, tay cầm đuốc, cầm mõ xông pha nơi kẻ địch hay hình ảnh những chiếc xuồng ba lá như những lớp sóng đấu tranh với kẻ thù thật hùng dũng, thật kiện cường và thật đáng tự hào biết bao.

Bao chiếc Áo Bà ba thấm đẫm mồ hôi và cả máu của những người con Nam Bộ chiến đấu và hi sinh cho Tổ quốc để hôm nay, hình ảnh những nữ du kích mặc Áo Bà ba đen, quấn khăn rằn, đội nón tai bèo, tay cầm súng đã trở thành biểu tượng bất tử của người con gái Nam Bộ.

Các thí sinh tham dự Cuộc thi Người đẹp Du lịch Cần Thơ năm 2019 trong trang phục Áo Bà ba. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Áo Bà ba không hề bị lãng quên theo thời gian. Dù cuộc sống có nhiều sự thay đổi, hội nhập nhưng ý nghĩa của chiếc Áo Bà ba vẫn tồn tại với cuộc sống của người dân Nam Bộ.

Ngày nay, ở một số vùng nông thôn ở Nam Bộ, người dân vẫn sử dụng Áo Bà ba không chỉ trong cuộc sống hằng ngày mà còn để phát triển du lịch. Những mẫu Áo Bà ba nâu truyền thống hoặc Áo Bà ba cách tân ngoài việc rất được giới trẻ và khách du lịch ưa chuộng thì còn được lựa chọn làm đồng phục tại nhiều nhà hàng, khu du lịch trong nước hay là trang phục trong những cuộc thi sắc đẹp, góp phần lan tỏa hình ảnh Áo Bà ba đi khắp nơi.

Chiếc Áo Bà ba mang vẻ đẹp đôn hậu, hiền hòa và chân chất như tính cách vốn có của người dân Việt Nam. Đây là một trong những giá trị truyền thống lâu đời cần được gìn giữ và bảo tồn./.

Trình diễn Áo bà ba tại triển lãm tranh Chiếc Áo Bà Ba xưa và nay. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục