Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), qua theo dõi và tổng hợp số liệu sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất 2020 (từ 20 giờ 30- 21 giờ 30 ngày 28/3), cả nước đã tiết kiệm được 436.000kWh, tương đương số tiền khoảng 812,9 triệu đồng.
Trong năm 2019, hưởng ứng Giờ Trái đất, cả nước đã tiết kiệm sản lượng điện 492.000kWh, tương đương số tiền 917 triệu đồng.
Năm nay lượng điện năng tiết kiệm được trong Giờ Trái đất thấp hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm phụ tải tiêu thụ giảm đi đáng kể. Cụ thể, đến Giờ Trái đất chỉ còn ít thiết bị có thể tắt so với năm 2019.
[Giờ Trái đất: Không nên chỉ tiết kiệm năng lượng trong một giờ]
Chiến dịch Giờ Trái đất năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam nên các sự kiện hưởng ứng với nhiều người tham gia không được các cơ quan, đơn vị tổ chức.
Tuy nhiên, hưởng ứng chiến dịch theo hướng sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đã thực hiện tuyên truyền việc tiết kiệm điện và hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2020 thông qua những thông tin, hình ảnh, video clip... trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các đơn vị.
Bên cạnh đó, các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố cũng đồng thời triển khai thực hiện tuyên truyền các nội dung về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị trong tháng 3/2020; đồng thời vận động các tổ chức, cơ quan và khách hàng thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất.
Trong những năm qua, Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và Bộ Công Thương đồng chủ trì đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân; trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc quan tâm và tích cực phối hợp thực hiện tốt chương trình.
Ngay từ đầu tháng 3/2020, chuỗi các hoạt động đã được WWF tổ chức nhằm kêu gọi người dân và xã hội tham gia và hưởng ứng tắt đèn trong 1 giờ vào tối ngày 28/3.
Các hoạt động chính của Giờ Trái đất 2020 gồm: Chiến dịch truyền thông mạng xã hội bắt đầu từ 12/3 đến 28/3; hoạt động kêu gọi cam kết trên trang web của WWF và tổng kết chiến dịch từ 28/3 đến 4/4; truyền thông giáo dục công chúng thông qua 100 bức vẽ tại khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội; truyền thông màn hình tại các khu thương mại, khu dân cư; truyền thông qua người nổi tiếng - Đại sứ của WWF.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đảng và Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.
Ông cũng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên cả nước tham gia hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 bằng những hành động cụ thể để cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đất nước, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới...
Chủ đề của chiến dịch Giờ Trái đất 2020 với tên gọi "Mất đa dạng sinh học" để báo động về tình trạng suy kiệt các nguồn tài nguyên, thay đổi các môi trường sống trên trái đất, gây ra sự mất đa dạng sinh học trên diện rộng do sự tiêu dùng gia tăng chưa từng có khiến gia tăng đột biến nhu cầu sử dụng năng lượng, đất, nước...
Giờ Trái Đất 2020 kêu gọi các tổ chức, cá nhân hành động góp phần thúc đẩy những sáng kiến thay đổi hành vi tiêu dùng như tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng đồ nhựa và nói không với tiêu thụ động vật hoang dã... Qua đó, cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh./.