Giới chức cấp cao Mỹ phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố hành động quân sự hóa các cơ sở tại Biển Đông sẽ không giúp ích gì cho những nỗ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực này.
Giới chức cấp cao Mỹ phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông ảnh 1Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng đang bố trí một hệ thống radar tần số cao mới trên đá Châu Viên. (Nguồn: CSIS)

Trong phát biểu được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Washington, ngày 23/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố hành động quân sự hóa các cơ sở tại Biển Đông sẽ không giúp ích gì cho những nỗ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực này.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết Washington “khuyến khích giải quyết hòa bình các tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông, một mục tiêu rõ ràng khó đạt được bằng hành động quân sự hóa các cơ sở ở vùng biển này.”

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu trong một phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện, ông McCain cho rằng Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không thể ngăn chặn lối hành xử cưỡng bức của Bắc Kinh tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi Mỹ đẩy mạnh tự do hàng hải trong khu vực.

Thượng nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Jack Reed thì đánh giá rõ ràng Trung Quốc không hề có ý định đóng vai trò là “một bên có trách nhiệm” tại châu Á-Thái Bình Dương.

Cũng tại cuộc điều trần này, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không và hệ thống rađa, cũng như xây dựng các đường băng trên Biển Đông “đang làm thay đổi môi trường hoạt động” tại khu vực này.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm Washington từ ngày 23-25/2.

Trước đó, ngày 19/2, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước thông tin của một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó.”

Ngày 19/2/2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

Cùng ngày, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng đã có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.