Giới chức châu Âu nói gì về kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh?

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, nhận định kế hoạch Brexit mà bà May đưa ra là "tiến trình buồn, nhưng ít nhất cũng được coi là tuyên bố có tính thực tế hơn."
Giới chức châu Âu nói gì về kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh? ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 17/1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk đánh giá bài phát biểu cùng ngày của Thủ tướng Anh Theresa May về kế hoạch đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã cung cấp một bức tranh "thực tế hơn" và rõ ràng hơn về những gì London cần trong tiến trình này.

Trên trang mạng Twitter, ông Tusk nhận định kế hoạch Brexit mà bà May đưa ra là "tiến trình buồn, nhưng ít nhất cũng được coi là tuyên bố có tính thực tế hơn."

Ông cũng đồng thời cho biết 27 nước thành viên khác trong EU sẽ đoàn kết và chuẩn bị sẵn sàng đàm phán sau khi Anh "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, thủ tục pháp lý khỏi động tiến trình đàm phán rời EU của Anh.

Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Anh đã có bài phát biểu quan trọng vạch ra hướng đi cho nghị trình Brexit.

Theo phóng viên TTXVN tại London, nhà lãnh đạo Anh đã thể hiện quan điểm thiên về Brexit "cứng," trong đó bà May tuyên bố sẽ đưa nước này ra khỏi Khu vực thị trường chung châu Âu.

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng cam kết sẽ tìm cách thúc đẩy thỏa thuận thương mại nhiều tham vọng và "tự do nhất có thể" với EU, cũng như sẵn sàng ký kết các thỏa thuận mới với các nước khác trên toàn thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh nước Anh sẽ không đi theo một mẫu thỏa thuận nào sẵn có, mà sẽ tìm kiếm một thỏa thuận mà Anh mong muốn với EU.

Bài phát biểu của bà May nêu lên 12 mục tiêu đàm phán với 27 nước thành viên EU liên quan đến Brexit, trong đó nhấn mạnh nước Anh sẽ không ở lại Khu vực thị trường chung châu Âu sau khi "chia tay" EU; không nằm trong liên minh thuế quan, song sẽ nỗ lực đạt được một thỏa thuận thuế quan mới nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao dịch thương mại qua biên giới; tiếp tục "đóng góp hợp lý" vào ngân sách EU, song không "đóng góp lớn"; kiểm soát biên giới và kiểm soát số lượng công dân EU sang Anh; tiếp tục hợp tác an ninh với EU, đồng thời duy trì khu vực đi lại chung giữa Anh và Ireland.

Một điểm đáng chú ý trong bài phát biểu của Thủ tướng May là việc bà nhấn mạnh sẽ tiến hành bỏ phiếu tại cả Hạ viện và Thượng viện Anh về thỏa thuận Brexit cuối cùng, dự kiến vào đầu năm 2019.

Tuy nhiên, bà cũng khẳng định nước Anh thà không đạt được một thỏa thuận nào còn hơn đạt được một thỏa thuận tồi.

Bà May tuyên bố sẽ cắt giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư, nếu nước này không thương lượng được một thỏa thuận tích cực với EU. Tuy vậy, bà tin tưởng rằng tình huống này sẽ không xảy ra.

Theo kế hoạch, Chính phủ Anh sẽ chính thức "kích hoạt" điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 tới để bắt đầu tiến trình đàm phán rời EU.

Các cuộc đàm phán này có thể kéo dài khoảng 2 năm.

Hiện, London đang thảo luận chi tiết với EU về kế hoạch đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.