Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 24/2, ông Wunna Maung Lwin, người mới đây được chính quyền quân sự tại Myanmar chỉ định làm Ngoại trưởng đã hội đàm với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi.
Cuộc gặp diễn ra tại một căn cứ của Không quân Hoàng gia Thái Lan ở Don Mueang, thủ đô Bangkok, là cuộc gặp đầu tiên của quan chức chính quyền quân sự Myanmar với chính phủ nước ngoài.
Báo The Nation dẫn một nguồn tin Chính phủ Thái Lan cho biết ông Wunna Maung Lwin đã hội kiến với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và hội đàm cùng người đồng cấp Don Pramudwinai của Thái Lan.
[Myanmar nỗ lực hợp tác với ASEAN nhằm tháo gỡ bế tắc chính trị]
Nguồn tin chính phủ Thái Lan nêu rõ trọng tâm của cuộc hội đàm, do Thái Lan đề xuất, là các vấn đề chính trị ở Myanmar.
Chính phủ Thái Lan khẳng định tình hình ở Myanmar là vấn đề nội bộ của nước này, nhưng ASEAN cũng cần hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Retno Marsudi xác nhận Indonesia đang tích cực tiến hành đối thoại với quân đội và chính phủ dân sự Myanmar nhằm giải quyết tình hình hiện nay.
Bà Marsudi nêu rõ Indonesia kêu gọi các bên kiềm chế và khẳng định sẽ tiếp tục trao đổi để góp phần giải quyết vấn đề tại Myanmar.
Bà Retno Marsudi nhấn mạnh cần coi trọng sự an toàn và thịnh vượng của người dân Myanmar cũng như lắng nghe ý kiến của họ.
Indonesia hiện đang thúc đẩy một cuộc họp khẩn cấp của ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm thảo luận về tình hình Myanmar.
Ngày 16/2 vừa qua, quân đội Myanmar đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. Trong thời gian đó, chính sách đối ngoại của Myanmar không thay đổi.
Myanmar vẫn duy trì cởi mở với doanh nghiệp và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Đến nay, thời điểm tổ chức bầu cử vẫn chưa được công bố.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm.
Trước đó, quân đội cáo buộc đã có gian lận quy mô lớn trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020, mà theo đó NLD đã giành đa số ghế tại cả lưỡng viện Quốc hội. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ cáo buộc này.
Trước tình hình này, ASEAN đã kêu gọi Myanmar theo đuổi "đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường," đồng thời nhấn mạnh "sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng."
ASEAN hiện gồm 10 thành viên. Myanmar trở thành thành viên của tổ chức này năm 1997./.