Quyết định của Mỹ về Jerusalem: Không "khôn ngoan đúng thời điểm"

Giới chuyên gia cảnh báo hậu quả từ quyết định của Mỹ về Jerusalem

Bất chấp mọi phản đối từ các quốc gia Arab và các đồng minh EU, ngày 6/12, Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, cho rằng là bước đi cần thiết thúc đẩy nhanh tiến trình hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) ký tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tại Washington DC., ngày 6/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới chuyên gia nhận định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố sẽ sớm chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv tới vùng đất còn tranh chấp giữa Israel và Palestine đã đi ngược với chính sách của những người tiền nhiệm nhiều thập kỷ qua và cản trở những nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình trong khu vực mà chính quyền nước này đang thực hiện.

Các chuyên gia Trung Đông cùng chung nhận định rằng đây không phải là một quyết định "khôn ngoan đúng thời điểm."

Chuyên gia Ilan Goldenberg, Giám đốc chương trình An ninh Trung Đông thuộc Trung tâm An ninh Mỹ, có trụ sở tại Washingron, cho rằng quyết định mới đã gây cản trở nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine mà chính ông Trump đang theo đuổi, có thể  dẫn tới hàng loạt các cuộc biểu tình và bạo động trên diện rộng.

Theo ông, động thái mới sẽ đưa Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và lãnh đạo các quốc gia Arab khác vào thế khó. Lý do là các nhà lãnh đạo này sẽ không thể tôn trọng quyết định của Nhà Trắng khi chỉ ít phút sau khi tuyên bố trên được đưa ra, Tổng thống Abbas đã khẳng định Mỹ không còn vai trò gì trong tiến trình đàm phán hòa bình khu vực.

Trong khi đó, Giám đốc Ứng phó xung đột tại Đại học Johns Hopkins Daniel Serwer cho rằng việc Tổng thống Trump đưa ra quyết định này chủ yếu nhằm "thỏa mãn các cử tri trong nước" mong muốn chính quyền trung ương thể hiện sự ủng hộ Israel nhiều nhất có thể.

Tuy nhiên, chuyên gia Serwer cũng nhấn mạnh bất kể sự thay đổi nào về chính sách hiện tại của Mỹ đều có thể phủ bóng đen lên triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình tại khu vực này. Với quyết định kể trên, sẽ rất khó để các bên có thể tin tưởng rằng Mỹ đang kiên trì theo đuổi giải pháp "hai nhà nước," biện pháp được coi là duy nhất để tháo gỡ những mâu thuẫn dai dẳng giữa Israel và Palestine.

[Cộng đồng quốc tế tiếp tục phản ứng xung quanh vấn đề Jerusalem]

Chuyên gia phân tích Darrel West thuộc Viện Brookings cũng cho rằng Palestine sẽ không hài lòng với quyết định thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối chủ quyền của Israel với vùng đất mà Palestine cũng mong muốn trở thành thủ đô của nhà nước tương lai của mình và dự đoán sẽ có nhiều bất ổn xảy ra.

Trong khi, Shibley Telhami - một chuyên gia khác cũng ở viện nghiên cứu này cho rằng quyết định mới của Tổng thống Mỹ đi ngược với ưu tiên hàng đầu của mà chính quyền Mỹ tự đặt ra trong vấn đề Trung Đông là chống khủng bố. Đây có thể là "cái cớ hoàn hảo" cho các tổ chức khủng bố huy động lực lượng chống lại Mỹ.

Không chỉ các chuyên gia, mà quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia trên thế giới. Saudi Arabia coi đây là một lời tuyên bố "thiếu trách nhiệm và không công bằng." Jordan cũng bày tỏ sự phản đối và cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ là "vô hiệu lực" với quốc gia này. Trong khi đó, Canada khẳng định sẽ không đưa Đại sứ quán của mình từ Tel Aviv về Jerusalem, đồng thời khẳng định giữ vững lập trường ủng hộ giải quyết tranh chấp vùng đất Jerusalem như một phần của thỏa thuận hòa giải chung giữa Israel và Palestine. Mexico cũng cùng chung quan điểm giữ Đại sứ quán nước này tại Tel Aviv.

Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel coi thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ. Năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật chuyển Đại sứ quán nước này tại Tel Aviv về Jerusalem, một hành động mang tính tượng trưng thể hiện sự ủng hộ của Washington với Nhà nước Israel.

Mặt khác, luật này cũng có điều khoản cho phép các đời tổng thống sau đó được ban hành và cập nhật các lệnh trì hoãn thực thi luật này 6 tháng một lần. Những người tiền nhiệm của Tổng thống Trump luôn lựa chọn gia hạn sắc lệnh tiếp tục đặt Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv để tránh gây thêm căng thẳng ở Trung Đông. Hầu hết quốc gia trên thế giới cũng đặt Đại sứ quán tại Tel Aviv để Israel và Palestine quyết định quy chế cuối cùng với Jerusalem thông qua các thỏa thuận.

Tuy nhiên, bất chấp mọi cảnh báo từ các quốc gia Arab và các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU), ngày 6/12, Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong khu vực vốn đã bị trì hoãn quá lâu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục