Giới chuyên gia Đức cảnh báo sự nguy hiểm của biến thể SARS-CoV-2

Các chuyên gia đã ra cảnh báo khẩn cấp với Thủ tướng Merkel và các thủ hiến 16 bang của Đức về nguy cơ xuất phát từ các biến thể mới của virus gây đại dịch COVID-19.
Giới chuyên gia Đức cảnh báo sự nguy hiểm của biến thể SARS-CoV-2 ảnh 1Cảnh vắng vẻ tại quảng trường Winterfeldtplatz ở Berlin, Đức trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 12/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một ngày trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel họp với thủ hiến các bang để thảo luận về các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19, các chuyên gia Đức ngày 18/1 đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về nguy cơ từ các biến thế mới của virus SARS-CoV-2.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tối 18/1, các chuyên gia đã ra cảnh báo khẩn cấp với Thủ tướng Merkel và các thủ hiến 16 bang của Đức về nguy cơ xuất phát từ các biến thể mới của virus gây đại dịch COVID-19.

Các nguồn thạo tin cho biết, nhiều chuyên gia, trong đó có nhà virus học, Giáo sư Viện Gene Đại học TU Braunschweig, Melanie Brinkmann và Giáo sư Michael Meyer-Herman, Trưởng Khoa Miễn dịch học hệ thống thuộc Trung tâm Nghiên cứu lây nhiễm Helmholtz, cảnh báo các biến thể sẽ khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở Đức, do vậy các cấp chính quyền cần nhanh chóng có những biện pháp cứng rắn để có thể giảm số ca lây nhiễm.

Giám đốc Viện Tin sinh học châu Âu Rolf Apweiler cũng đưa ra cảnh báo tương tự, nhấn mạnh rằng biến thể virus được phát hiện ở Anh có thể khiến số ca lây nhiễm tăng từ 6 đến 8 lần so với virus gốc.

Ông Apweiler kêu gọi thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, tiêm chủng nhanh chóng và giải trình tự gene rộng rãi để xác định các biến thể của virus nhằm nhanh chóng giảm số ca lây nhiễm.

Trong khi đó, nhà virus học, Giáo sư Christian Drosten thuộc Bệnh viện Charité ở Berlin trấn an rằng không nên hoảng loạn với biến thể virus vừa phát hiện ở thành phố Garmisch-Partenkirchen thuộc bang Bayern của Đức.

Ông nhấn mạnh không có gì ngạc nhiên và không có lý do quá lo ngại với biến thể mới này, bởi không có dấu hiệu cho thấy đây là một biến thể đặc biệt.

Biến thể mới phát hiện ở bang miền Nam nước Đức ngày 18/1 được tìm thấy trong bệnh phẩm của 3 bệnh nhân tại bệnh viện Garmisch-Partenkirchen và hiện đang được tiếp tục nghiên cứu, phân tích.

Cùng ngày, giới chức y tế Flensburg thuộc bang Schleswig-Holstein, miền Bắc nước Đức, cũng thông báo phát hiện trên 20 trường hợp nghi nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở thành phố này. Hiện các mẫu xét nghiệm đã được gửi về phân tích thêm tại Bệnh viện Charité ở Berlin để xác định rõ loại biến thể.

[Biến thể mới ở Nam Phi có tốc độ lây lan nhanh và khiến bệnh nặng hơn]

Phó Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cảnh báo tình hình hiện nay không cho phép chờ đợi các nghiên cứu khoa học mà cần phải dũng cảm hành động ngay để ứng phó với các biến thể mới của virus.

Theo số liệu do các cơ sở y tế Đức thông báo tối 18/1, nước Đức ghi nhận thêm 465 ca tử vong và trên 7.500 ca nhiễm mới, mức thấp nhất được ghi nhận từ ngày 20/10/2020.

Hiện trên cả nước Đức đang có khoảng 302.000 người nhiễm bệnh. Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cho rằng số ca mắc bệnh giảm trong một vài ngày qua là "rất đáng khích lệ," song chưa đủ và nguy cơ từ các biến thể mới vẫn rất đáng lo ngại.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức và các bang sẽ có cuộc thảo luận vào ngày 19/1 về khả năng kéo dài lệnh phong tỏa toàn phần, trong đó có quy định về giờ giới nghiêm ban đêm, làm việc tại nhà và bắt buộc đeo khẩu trang loại FFP2 trên phương tiện giao thông công cộng và cửa hàng.

Phát biểu trên truyền thông Đức, Bộ trưởng Y tế nước này Jens Spahn cho biết 34 triệu người thuộc các nhóm có nguy cơ có thể nhận được khẩu trang FFP2 do chính phủ tài trợ, ngày càng có nhiều người làm việc ở nhà hơn.

Các phân tích và đánh giá từ các phòng thí nghiệm cho thấy, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ tăng mạnh.

Ông Spahn nói rằng, số ca nhiễm và việc sử dụng các đơn vị điều trị tích cực đã giảm trong vài ngày qua, nhưng người dân vẫn phải cẩn thận và đây không phải là dấu hiệu của sự nới lỏng. Mục tiêu vẫn là phá vỡ các chuỗi lây nhiễm.

Theo kế hoạch, ngày 19/1, Thủ tướng Angela Merkel và Thủ hiến các bang sẽ thảo luận về việc thực hiện phong tỏa toàn phần đang được áp dụng đến cuối tháng 1/2021.

Phát biểu cùng ngày, Thủ hiến bang Bayern Markus Söder lên tiếng kêu gọi kéo dài phong tỏa toàn phần đến giữa tháng 2, việc dạy học trực tuyến và đóng cửa các nhà trẻ phải được duy trì.

Trong khi đó, tờ Süddeutsche Zeitung (nam Đức) thông tin, Bộ trưởng Tài chính Scholz và Bộ trưởng kinh tế Altmaier đang lên kế hoạch mở rộng gói hỗ trợ bắc cầu III cho các công ty và những người tự kinh doanh, theo đó, các doanh nghiệp nhỏ cũng được hưởng lợi.

Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho các chuỗi khách sạn lớn, các nhà khai thác trạm dịch vụ và chuỗi nhà hàng nói riêng, vốn vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào do các rào cản quy định và điều kiện áp dụng thay đổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục