Tại Hội thảo khoa học quốc gia về quan điểm, giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên gia cho biết tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất do di cư tự do hiện vẫn “nóng,” một số vụ việc thậm chí còn đến mức không thể giải quyết.
Chính vì thế, nếu tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp, dân di cư tự do không được giải quyết sẽ gây sức ép rất lớn, gây thất thoát tài nguyên quốc gia...
Thu hồi xong vẫn bị lấn chiếm
Theo tiến sỹ Cao Thị Lý, Trường Đại học Tây Nguyên, tranh chấp trong sử dụng đất lâm nghiệp gắn liền với vấn đề phá rừng, lấn chiếm rừng, di dân tự do… đang là vấn đề chính được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong suốt nhiều năm qua.
Về khía cạnh quản lý, mặc dù các văn bản pháp quy về xử lý, xử phạt hành chính trong vi phạm lâm luật và đất đai nhưng trên thực tế vẫn chưa có sự thống nhất và phân công trách nhiệm cụ thể trong quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp.
Nhiều trường hợp dù đã bị cưỡng chế thu hồi đất lâm nghiệp nhưng vẫn gặp phải sự chống đối của người dân nên không thể thực hiện, hoặc thu hồi được nhưng sau đó vẫn bị lấn chiếm. Thời gian qua, tại khu vực Tây Nguyên cũng đã có nhiều cán bộ bị kỷ luật, cách chức, điều này ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, tuy nhiên nhiều nơi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn tiếp diễn.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong điều tra, xử lý các hành vi phá rừng, chống người thi hành công vụ như mua bán, vận chuyển gỗ, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thiếu chặt chẽ, chưa nghiệm thu và chưa kịp thời dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật và tiếp tục vi phạm…
Có chung quan điểm, tiến sỹ Trương Thị Hạnh, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, cho rằng vấn đề lấn chiếm, tranh chấp đất đai luôn là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tình hình lấn chiếm, tranh chấp đất đai vẫn diễn ra với nhiều tính chất phức tạp.
[Công khai tổ chức vi phạm và khắc phục vi phạm pháp luật đất đai]
Minh chứng là trong vòng 2 năm 2017 và 2018, khu vực Tây Nguyên đã xảy ra hơn 1.800 vụ phá rừng trái phép, trong đó có 1.200 vụ phá rừng chiếm đất làm nương rẫy gây thiệt hại hơn 700ha rừng các loại.
Một trong những nguyên nhân khách quan được bà Hạnh chỉ ra là do áp lực từ di dân tự do và tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân. Nếu như năm 1975 dân số Tây Nguyên chỉ có 1 triệu người thì đến năm 2019 đã lên tới hơn 5,8 triệu người, trong đó di dân di cư tự do chiếm 50%, khoảng 3 triệu người.
Do vậy, tình trạng thiếu đất sản xuất diễn ra ngày càng trầm trọng.
Hiện tại vùng Tây Nguyên có khoảng 52.940 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích khoảng 24.075ha. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Đắk Lắk có khoảng 19.198 hộ thiết đất sản xuất, với diện tích khoảng 6.591ha…
Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện đất đai giữa người dân với công ty lâm nghiệp diễn ra phức tạp, gay gắt là do sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, dẫn đến mâu thuẫn kéo dài.
Về nguyên nhân chủ quan, theo bà Hạnh, thứ nhất là do hạn chế về công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước về đất đai của các cấp chính quyền địa phương; sự hạn chế về năng lực, buông lỏng trách nhiệm quản lý và đạo đức công vụ của cán bộ công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng; khi xảy ra vi phạm không kịp thời xử lý…
Cần chính sách quyết liệt ngăn di cư tự do
Từ thực trạng nêu trên, bà Hạnh đề xuất cần có chính sách quyết liệt nhằm hạn chế và ổn định vấn nạn di cư tự do. Theo đó, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ nguồn lực để ổn định đời sống, phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc; phê duyệt chương trình bố trí, ổn định di dân di cư các vùng thiên tai, biên giới… Từ đó, hạn chế, chấm dứt di cư tự do vào Tây Nguyên.
Đối với chính quyền các tỉnh miền núi phía Bắc, cần quản lý chặt chẽ dân cư, truyên truyền vận động người dân yên tâm ở lại xây dựng quê hương và có sự phối hợp chặt chẽ với các chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên.
Ngược lại, các tỉnh Tây Nguyên cũng cần đưa ra mốc thời gian cụ thể để giải quyết ổn định cho người di cư trước đây; sớm đưa ra chính sách không bố trí cho dân di cư tự do mới, hạn chế chính sách hỗ trợ, cấp đất ở, đất sản xuất… tránh tình trạng hỗ trợ tốt nên thu hút dân di cư tự do đến.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành quy hoạch đất đai, thực hiện giao đất, giao rừng đúng quy định; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ lấn chiếm, tranh chấp đất đai; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng…
Có chung quan điểm, phó giáo sư tiến sỹ Nguyên Quang Tuyến, trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng để giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai đảm bảo phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên đầu tiên là cần phải đổi mới tư duy về nhận thức; giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, bởi đây là đối tượng sinh sống lâu đời hàng trăm năm ở khu vực Tây Nguyên.
“Thông thường người mất đất chỉ còn hai con đường là lùi vào núi sâu, có cuộc sống ngày càng khó khăn hoặc ở lại tại chỗ và đi làm thuê cho người nơi khác đến, chủ yếu là người Kinh,” ông Tuyến nói.
Vị chuyên gia này cũng đề xuất để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ mà một trong những giải pháp là nghiêm cấm hiện tượng chuyển nhượng đất cho người khác tộc.
Theo ông Tuyến, việc nghiêm cấm này là để tránh việc mua bán đất đai giữa người Kinh di dân với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên; thu hồi đất đai của đồng bào bản địa đã bị một số cán bộ mua hoặc chiếm dụng đem trả lại cho đồng bào…
Góp thêm giải pháp, ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng Ban Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương xử lý nghiêm, kịp thời các điểm nóng về tranh chấp đất đai và các đối tượng kích động, phần tử lợi dụng lôi kéo đồng bào di dân tự do, phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gây mất tình hình an ninh trật tự xã hội, chính trị, quốc phòng tại các địa phương, nhất là khu vực biên giới.
Chính quyền các cấp của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo các thị trấn, các xã và các chủ rừng tăng cường hơn nữa công tác bám sát, quản lý chặt chẽ địa bàn, quản lý dân cư, quản lý rừng; không để xảy ra mua bán đất đai trái pháp luật
Ông Triệu Văn Bình, Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội kiến nghị tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác giải quyết khiếu nại tranh chấp đất nông lâm trường; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Trung ương và các địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai; kiên quyết, kiên trì thực hiện quy hoạch quản lý sử dụng đất đai mà Quốc hội đã thông qua; chú ý kiểm tra, đối chiếu lại với quy hoạch phát triển diện tích cao su, càphê, quy hoạch phát triển thủy điện./.