Ông Kazuhiro Tateda, Giáo sư Đại học Toho và là thành viên của tổ tư vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với dịch COVID-19, cảnh báo số ca nhiễm mới ở nước này có thể sẽ tăng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới, đồng thời bày tỏ quan ngại về sự gia tăng của số ca tử vong vì COVID-19, vốn đã vượt ngưỡng 300 ca/ngày, gần tương đương với giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng thứ 7.
Tuy nhiên, điều khiến giới chức y tế Nhật Bản quan ngại là làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 có thể xảy ra trùng với đợt bùng phát của dịch cúm mùa, nhất là khi số người có khả năng miễn nhiễm với bệnh cúm đã giảm sau 2 mùa không có đợt bùng phát nào.
Giáo sư Tateda cho biết nhiều khu vực ở Nhật Bản đang chứng kiến sự bùng phát của dịch cúm mùa lần đầu tiên trong vòng 3 năm và khả năng “dịch chồng dịch” có thể sẽ khiến hệ thống y tế căng thẳng hơn.
Ngày 23/12, chính quyền tỉnh Gifu, miền Trung Nhật Bản, đã quyết định áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm đối phó với tình trạng lây lan dịch COVID-19 và ngăn chặn nguy cơ hệ thống y tế trên địa bàn quá tải.
Gifu là địa phương đầu tiên ở Nhật Bản áp dụng quy định mới về phòng chống dịch bệnh mà Chính phủ Nhật Bản ban hành tháng trước.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng giường dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 ở tỉnh này đã vượt ngưỡng 50% khi số ca nhiễm mới liên tục tăng.
Theo quyết định này, các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong vòng 1 tháng. Trong thời gian đó, chính quyền tỉnh kêu gọi người dân thận trọng cân nhắc khi đi ăn tối theo nhóm lớn hoặc tham gia vào các sự kiện đông người, nhất là trong dịp nghỉ lễ cuối năm và đầu Năm mới.
Trên cơ sở quyết định của Gifu, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ xác định Gifu là khu vực áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tăng cường và sẽ cử các nhân viên có kinh nghiệm tới tỉnh này để tư vấn về các biện pháp chống dịch.
[Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt]
Trước đó, vào giữa tháng 11, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua văn bản hướng dẫn mới về việc ứng phó với dịch COVID-19 nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 8, được cho là nghiêm trọng hơn so với làn sóng trước đó xảy ra trong quý 2/2022.
Theo văn bản trên, Chính phủ Nhật Bản sẽ phân chia mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 thành 4 cấp độ dựa trên tác động của dịch bệnh tới hệ thống y tế.
Cụ thể, tình hình lây lan của dịch COVID-19 ở một tỉnh, thành sẽ được xếp vào Mức 3, tức là cấp độ nghiêm trọng thứ 2, khi các dịch vụ y tế ngoại trú bị quá tải. Khi đó, thống đốc tỉnh, thành đó sẽ được phép yêu cầu người dân hạn chế đi ăn ở ngoài theo nhóm lớn và hạn chế tham gia các sự kiện đông người.
Trong trường hợp các biện pháp này không giúp khống chế tình trạng lây lan dịch bệnh và toàn bộ hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải, tình hình dịch COVID-19 ở tỉnh, thành đó sẽ được xếp vào Mức 4 - mức nghiêm trọng nhất. Khi đó, thống đốc tỉnh, thành đó có thể xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế.
Trong tình trạng khẩn cấp về y tế, các thống đốc sẽ yêu cầu các đơn vị tổ chức hoãn các sự kiện, yêu cầu người dân hạn chế đi lại và kêu gọi tăng cường làm việc từ xa càng nhiều càng tốt. Mặc dù vậy, không giống như việc ban bố tình trạng khẩn cấp hay áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm trước đây, khi các tỉnh, thành tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực, các nhà hàng và cơ sở kinh doanh khác sẽ không bị yêu cầu phải đóng cửa hay rút ngắn thời gian hoạt động, trong khi các trường học vẫn mở cửa.
Nhật Bản đã bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 8 từ đầu tháng 11/2022. Làn sóng này được dự báo là nghiêm trọng hơn so với làn sóng trước đó.
Ngày 21/12, Nhật Bản ghi nhận thêm 206.445 ca nhiễm mới, tăng khoảng 16.000 ca so với một tuần trước đó. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước này vượt ngưỡng 200.000 ca/ngày kể từ ngày 25/8./.