Thị trường chứng khoán Phố Wall đã giảm điểm trong ngày 10/10 trước những lo ngại về khả năng Mỹ tăng lãi suất và tác động tiêu cực của tình trạng xung đột thương mại trên thế giới, đã dẫn tới những đợt bán tháo cổ phiếu trên diện rộng của giới đầu tư, khiến các chỉ số chủ chốt của thị trường giảm hơn 3%.
Cụ thể, vào lúc đóng cửa ngày giao dịch 10/10 tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 3,2% xuống còn 25.598,74 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 3,3% xuống còn 2.785,68 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 4,1% xuống còn 7.422,05 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số Nasdaq kể từ tháng 6/2016, khi cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, diễn ra.
Nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường Phố Wall đã giảm mạnh, trong đó cổ phiếu của Apple, Boeing và Facebook đều giảm hơn 4%, trong khi giá cổ phiếu của các “đại gia” Amazon, Nike và Microsoft mất hơn 5%.
[IMF: Hàng nghìn tỷ USD tài sản ròng của Mỹ có thể "bốc hơi"]
Theo nhà phân tích Patrick O'Hare của Briefing.com, thị trường chứng khoán Mỹ đang chịu sức sép kể từ khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức hơn 3% hồi tuần trước, một diễn biến bất ngờ làm dấy lên lo ngại về tình trạng kinh tế tăng trưởng quá nóng, đẩy cao lạm phát và làm tăng khả năng Mỹ nâng lãi suất với mức độ mạnh hơn.
Trong khi đó, tình hình cũng không khá hơn tại các thị trường chứng khoán ở khu vực châu Âu, một phần do sự bất đồng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Italy về kế hoạch ngân sách của “đất nước hình chiếc ủng," đã lại làm dấy lên những quan ngại về ảnh hưởng bất lợi tới tình hình kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Khép lại ngày giao dịch 10/10, chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London (Vương quốc Anh) giảm 1,3% xuống còn 7.145,74 điểm, còn chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) giảm 2,1% xuống còn 5.206,22 điểm. Trong khi đó, chỉ số DAX 30 của Frankfurt chốt phiên với mức giảm 2,2% xuống 11.712,50 điểm. Riêng chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 hạ 1,7% xuống 3.266,90 điểm khi đóng cửa.
Theo nhà phân tích thị trường kỳ cựu Craig Erlam của tập đoàn thương mại Oanda, các nhà đầu tư hiện đang có nhiều mối quan ngại như nhịp độ tăng lợi suất trái phiếu và tác động tới niềm tin của nhà đầu tư, bất đồng giữa EU và Italy về kế hoạch ngân sách của nước này, tiến trình đàm phán về Brexit vẫn trì trệ, và xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa “hạ nhiệt."
Ngoài ra, trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2018 và 2019 từ 3,9% xuống 3,7%, viện dẫn nhưng rủi ro ngày càng gia tăng trong thương mại toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng tiền tệ tại các thị trường mới nổi và dấu hiệu “giảm tốc” của các nền kinh tế lớn./.