Giới học giả: Chính phủ Nhật Bản cần duy trì hợp tác kinh tế-hàng hải

Giới học giả đề xuất chính quyền Nhật Bản tập trung duy trì hợp tác kinh tế và hàng hải cốt yếu trong các vấn đề khu vực, hơn là ưu tiên vấn đề an ninh, qua đó không làm leo thang căng thẳng Mỹ-Trung.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (giữa, phía trước) cùng các thành viên nội các trước cuộc họp ở Tokyo, Nhật Bản ngày 16/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (giữa, phía trước) cùng các thành viên nội các trước cuộc họp ở Tokyo, Nhật Bản ngày 16/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Kyodo, một số học giả ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương hy vọng tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo trong các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như người tiền nhiệm Abe Shinzo từng làm - đặc biệt vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới."

Những học giả này đề xuất chính quyền của ông Suga tập trung duy trì sự hợp tác kinh tế và hàng hải cốt yếu trong các vấn đề khu vực, hơn là ưu tiên vấn đề an ninh, qua đó không làm leo thang căng thẳng Mỹ-Trung.

Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế Singapore Simon Tay nhận định: "Khu vực này hưởng lợi từ một Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe vốn đã chủ động, nhất quán hơn và là một đối tác tin cậy. Trong khi Thủ tướng Suga đại diện cho tính kế thừa liên tục và điều đó sẽ được đảm bảo."

[Nhật Bản: Đảng LDP cầm quyền chia rẽ về thời điểm giải tán Hạ viện]

Học giả Simon Tay ám chỉ tới sự quả quyết của ông Suga trong cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung của hai nước về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa khi là đối tác với Australia, Ấn Độ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước khác ở khu vực.

Các học giả bày tỏ hoài nghi lời kêu gọi mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun về việc cân nhắc thành lập một liên minh chính thức gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Simon Tay hy vọng: “các nước châu Á sẽ thể hiện tính kiên quyết, chứ không khiêu khích. Sự kiên quyết nghĩa là áp dụng các biện pháp ngoại giao và đa phương thay vì quân sự.”

Ông Yoshihide Suga đã chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản ngày 16/9 vừa qua, cam kết tiếp tục theo đuổi các chủ trương của người tiền nhiệm Abe Shinzo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.