Giới khoa học cảnh báo nguy cơ lở băng liên tục tại Chile

Hai vụ lở băng liên tiếp đã xảy ra tại khối băng Grey nằm tại cực Nam của Chile, tiếp sau vụ lở một tảng băng dài 380m và rộng 350m hồi tháng 11/2017.
Khối băng tại Patagonia, Chile hồi 9/3/2019. (Nguồn: Reuters)

Hai vụ lở băng liên tiếp vào các ngày 20/2 và 7/3 vừa qua tại khối băng Grey nằm tại cực Nam của Chile, tiếp sau vụ lở một tảng băng dài 380m và rộng 350m hồi tháng 11/2017, đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng hiện tượng này.

Phát biểu với báo giới ngày 12/3, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu Ricardo Jaña thuộc Viện Nam Cực Chile (INACH) cho biết các vụ lở băng tại khối băng hà quan trọng này rõ ràng đã có tần suất cao hơn và đòi hỏi phải có thêm dữ liệu khoa học để đánh giá về độ vững chắc của Grey.

Nhà khoa học này cũng giải thích “chúng tôi đã ghi nhận được nhiệt độ cao hơn mức bình thường, lượng mưa dày cùng với mực nước hồ tại chân băng dâng cao là những yếu tố có thể thúc đẩy hiện tượng lở băng."

[Biến đổi khí hậu: Khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp do băng tan]

Kể từ năm 2015, INACH đã phối hợp cùng với một số trường đại học của Đức và Brazil tiến hành chương trình nghiên cứu và bảo vệ khối băng Grey.

Với độ dày trung bình khoảng 30m và có diện tích bề mặt từng lên tới 270 km2 vào năm 1996, Grey là một trong số những khối băng có tốc độ suy giảm nhanh nhất tại Cánh đồng băng Nam Patagonia - phần đất liền có băng phủ lớn thứ ba thế giới sau Nam Cực và Greenland và lớn nhất ngoài hai cực của Trái Đất với tổng diện tích 16.800 km2.

Trước đó, tình trạng băng tan từ các khối băng khổng lồ và các đỉnh núi, đặc biệt là trên dãy núi Andes, từng được các nhà khoa học đánh giá là nguy cơ thảm họa lớn nhất đe dọa khu vực Nam Mỹ do ảnh hưởng của hiện tượng Trái Đất nóng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục