Giới lập pháp Mỹ đặt nghi vấn về quyết định nhân sự Bộ Tư pháp

Các thượng nghị sỹ Dân chủ đang cân nhắc hành động pháp lý liên quan đến quyết định của Tổng thống Donald Trump tự ý bổ nhiệm một quyền Bộ trưởng Tư pháp mới mà không thông qua Thượng viện.
Giới lập pháp Mỹ đặt nghi vấn về quyết định nhân sự Bộ Tư pháp ảnh 1Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions (phải) và Tổng thống Donald Trump (trái). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các thượng nghị sỹ Dân chủ đang cân nhắc hành động pháp lý liên quan đến quyết định của Tổng thống Donald Trump tự ý bổ nhiệm một quyền Bộ trưởng Tư pháp mới mà không thông qua Thượng viện, động thái mà giới chuyên gia luật cũng cho là một quyết định vi hiến.

Trước đó, ngày 7/11, Tổng thống Trump đã cách chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions và bổ nhiệm ông Matthew Whitaker - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp - giữ chức quyền Bộ trưởng.

Động thái này đồng nghĩa với việc ông Whitaker sẽ là người giám sát cuộc điều tra các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Ông Whitaker là người đã chỉ trích cuộc điều tra được tiến hành dưới thời người tiền nhiệm này là "quá rộng," khiến các nhà lập pháp của đảng Dân chủ lo ngại rằng việc sa thải Bộ trưởng Sessions và nhanh chóng bổ nhiệm người thay thế có thể là "điềm báo" cho việc Tổng thống Trump sẽ sớm chấm dứt cuộc điều tra này.

[Các nghị sỹ Dân chủ chỉ trích quyết định cách chức Bộ trưởng Tư pháp]

Trong tình hình thực tế này, các thượng nghị sỹ Dân chủ đang cân nhắc kiện Tổng thống Trump, với lập luận rằng khi bổ nhiệm ông Whitaker, người đứng đầu Nhà Trắng đã phớt lờ quy định về kế nhiệm trong Bộ Tư pháp, và không tính đến quyền hiến định của các thượng nghị sỹ trong việc "khuyến nghị và phê chuẩn" một số chức danh do tổng thống bổ nhiệm.

Theo Điều khoản bổ nhiệm trong Hiến pháp Mỹ, các quan chức chính phủ cấp cao đều phải nhận được sự chấp thuận của Thượng viện. Ông John Yoo, một cựu luật sư của Bộ Tư pháp dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, cho biết: "Trong một vụ kiện năm 1998, Tòa án Tối cao đã nói rõ rằng Bộ trưởng Tư pháp là một chức danh quan trọng. Vì vậy, ông Whitaker không thể nắm quyền Bộ trưởng Tư pháp, và mọi quan chức khác trong Bộ Tư pháp, kể cả Thứ trưởng, Luật sư trưởng và các trợ lý Bộ trưởng đều phải đáp ứng yêu cầu về khuyến nghị và phê chuẩn của Thượng viện."

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ trong Thượng viện, ông Chuck Schumer cho biết Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein, người đã được Thượng viện phê chuẩn, lẽ ra nên được chỉ định lên thay Bộ trưởng Sessions.

Trả lời báo giới tối 9/11, Thượng nghị sỹ Dân chủ Richard Blumenthal cho biết ông "đang cân nhắc hành động pháp lý nhằm phản đối quyết định bổ nhiệm tạm thời vi phạm quy định kế nhiệm và đặt ra nhiều vấn đề về hiến pháp rất nghiêm trọng." Ông bày tỏ hy vọng các đồng nghiệp ở phe Cộng hòa sẽ cùng đứng nguyên đơn khi vụ kiện này được khởi động.

Chỉ nắm thiểu số trong Thượng viện, đảng Dân chủ sẽ cần sự ủng hộ của các nghị sỹ Cộng hòa để kiện Tổng thống Trump theo Điều khoản bổ nhiệm. Tuy nhiên, dường như người Cộng hòa nghĩ khác.

Người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley cho biết Tổng thống Trump có quyền bổ nhiệm ông Whitaker làm quyền Bộ trưởng Tư pháp tạm thời, dù không được Thượng viện thông qua. Quyết định bổ nhiệm đó có thể được đưa ra với những quan chức cấp cao từng làm việc trong bộ ít nhất 90 ngày và thời gian tạm quyền có thể kéo dài tới 210 ngày.

Trước đó, các nghị sỹ đảng Dân chủ ở Hạ viện đã yêu cầu mở phiên điều trần khẩn cấp về quyết định của Tổng thống cách chức Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, vì lo ngại động thái này sẽ cản trở cuộc điều tra liên bang về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.

Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng việc bổ nhiệm ông Whitaker không đặt ra mối đe dọa nào đối với Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người hiện đang tiến hành cuộc điều tra các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Graham là người từng soạn thảo luật bảo vệ ông Mueller.

Ông Sessions là một trong những Thượng nghị sỹ Mỹ đầu tiên ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016 của tỷ phú Trump và có cùng quan điểm cứng rắn trong vấn đề di cư. Sự ra đi của ông đã được dự báo từ đầu năm nay sau khi ông không ít lần bị Tổng thống Trump chỉ trích, thậm chí là kỳ thị, do "làm ngơ" cuộc điều tra của công tố viên Mueller.

Sau khi nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ vào đầu năm 2017, ông Sessions, cựu Thượng nghị sỹ, công tố viên bang Alabama, đã thực thi nhiều chính sách cứng rắn của chính quyền, trong đó phải kể đến sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân tại những nước đa phần là người Hồi giáo.

Ông cũng thúc đẩy kiện toàn lực lượng thực thi pháp luật liên bang, tòa án với những nhân vật theo đường lối bảo thủ và mạnh tay trừng trị các tổ chức tội phạm đến từ Trung Mỹ.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa ông và Tổng thống Trump trở nên lạnh nhạt từ tháng 3/2017 khi ông trao quyền giám sát cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ cho Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein.

Sau khi Tổng thống Trump sa thải Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey, ông Rosenstein đã có quyết định khiến chính quyền Trump "sốc" khi chỉ định ông Mueller, cựu lãnh đạo FBI, đảm nhận vị trí công tố viên độc lập trong cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ.

Giới phân tích nhận định những bước đi trên đã bảo vệ cuộc điều tra của ông Mueller khỏi nỗ lực can thiệp từ bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.