Giới lập pháp Mỹ kêu gọi ngừng chính sách chia tách gia đình di cư

Chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tách trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp khỏi cha mẹ mình đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nhà lập pháp.
Giới lập pháp Mỹ kêu gọi ngừng chính sách chia tách gia đình di cư ảnh 1Trẻ em nhập cư tại một trại tị nạn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tách trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp khỏi cha mẹ mình đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nhà lập pháp Cộng hòa và Dân chủ. Thậm chí, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump cũng thể hiện sự không đồng tình với chủ trương này.

Bà Melania không phản đối chính sách trên, song bà kêu gọi giới lập pháp Cộng hòa và Dân chủ cùng thúc đẩy một dự luật cải cách nhập cư mới nhằm chấm dứt việc chia tách trẻ em khỏi cha mẹ gây tranh cãi trên.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN ngày 17/6, người phát ngôn của bà Melania Trump, Stephanie Grisham cho hay: "Bà Trump ghét chứng kiến trẻ em bị chia tách khỏi gia đình chúng và bà hy vọng các chính khách của hai đảng có thể đạt được một kế hoạch cải cách nhập cư thành công."

Bà Melania cũng nhấn mạnh quan điểm rằng: "Chúng ta cần một đất nước thượng tôn pháp luật, song cũng cần một đất nước được điều hành bằng cả trái tim."

[Nghị sỹ Mỹ phản đối tách trẻ em nhập cư trái phép khỏi cha mẹ]

Một số nghị sĩ Cộng hòa cho rằng cần phải chấm dứt chính sách này. Trả lời trong chương trình "Face the Nation" của kênh CBS, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins nhấn mạnh chính sách này nhằm gửi đi thông điệp cứng rắn tới những người nhập cư trái phép, nhưng đồng thời gây tổn thương tới những đứa trẻ vô tội và điều này đi ngược lại với những giá trị ở Mỹ.

Chia sẻ quan điểm trên, Hạ nghị sĩ Dân chủ David Cicilline mô tả chính sách mới của Nhà Trắng đang làm xói mòn các giá trị nền tảng của nước Mỹ. Một nhóm nghị sĩ Dân chủ đã cảnh báo việc chia tách những đứa trẻ trong gia đình nhập cư bất hợp pháp khỏi bố mẹ chúng sẽ để lại những hậu quả "không thể sửa chữa."

Từ tháng 5 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Trump đã quyết định triển khai chính sách "không khoan dung" (Zero-tolerance) nhằm ngăn chặn hàng nghìn gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ mỗi tháng rồi xin tị nạn.

Thống kê cho thấy trong suốt 6 tuần qua, đã có gần 2.000 trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ bị tách khỏi cha mẹ chúng hoặc những người bảo hộ.

Con số này tiếp tục tăng sau khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions tuyên bố những người di cư vượt biên bất hợp pháp từ Mexico sang Mỹ, bao gồm cả người đang xin tị nạn, sẽ bị bắt giữ.

Trong khi đó, chiều 17/6, hàng trăm người tại thành phố Seattle, bang Washington, đã xuống đường tuần hành nhằm phản đối chính sách “không khoan dung” của chính quyền.

Cuộc biểu tình có tên “Families Belong Together" (Gia đình cùng bên nhau) tại Westlake Park, Seattle, do một nhóm gồm Dự án Quyền người di cư NW, CAIR Washington, Quỹ tài trợ quyền tự do nhân sự Mỹ (ACLU) tại Washington, tổ chức.

Đây là họat động mới nhất trong làn sóng phản đối trên toàn nước Mỹ đối với chính sách nhập cư của Nhà Trắng.

Những người tham gia tuần hành đã giơ cao các biểu ngữ có nội dung như “Trẻ em cần cha mẹ, không cần nhà kho,” hay “Đừng gây rắc rối với những người mẹ,” “Chấm dứt trại tập trung của Tổng thống Trump,” thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với chính sách nhập cư gây tranh cãi này.

Cùng ngày, truyền thông địa phương đưa tin một ôtô chở người nhập cư đã gặp tai nạn khi đang chạy trốn các nhân viên an ninh biên giới. Vụ tai nạn đã khiến ít nhất 5 người nhập cư thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Kênh truyền hình ABC cho biết vụ tai nạn xảy ra tại bang Texas khi các nhân viên Kiểm soát Biên giới cố chặn chiếc xe lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.