Giới phân tích: Triều Tiên tăng cường sức ép đối với Hàn Quốc

Triều Tiên dường như tăng cường sức ép đối với Hàn Quốc nhằm buộc nước này đóng vai trò lớn hơn trong việc thuyết phục Mỹ phá vỡ thế bế tắc của đàm phán phi hạt nhân hóa.
Văn phòng liên lạc chung liên Triều ở thành phố biên giới Kaesong, Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Văn phòng liên lạc chung liên Triều ở thành phố biên giới Kaesong, Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Yonhap đưa tin, giới phân tích ngày 22/3 nhận định, thông qua việc rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều, Triều Tiên dường như tăng cường sức ép đối với Hàn Quốc nhằm buộc nước này đóng vai trò lớn hơn trong việc thuyết phục Mỹ phá vỡ thế bế tắc của đàm phán phi hạt nhân hóa.

Việc Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều là sự thụt lùi dễ thấy đầu tiên đối với tiến trình hòa giải mà hai miền Triều Tiên theo đuổi suốt một năm qua, cũng như cho thấy thực tế sự cải thiện trong quan hệ liên Triều phụ thuộc nhiều vào tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Văn phòng liên lạc được mở hồi tháng 9 năm ngoái nhằm tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi và hợp tác liên Triều, phù hợp với thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng 4/2018. 

[Hàn Quốc họp khẩn sau khi Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc chung]

Ông Cheong Seong-chang, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Sejong, nhận xét: "Triều Tiên dường như quyết định rút khỏi văn phòng để gây sức ép đối với Seoul nhằm buộc nước này đóng vai trò tích cực hơn trong việc thuyết phục Washington."

Đồng quan điểm, Giáo sư Lim Eul-chul từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam chia sẻ: "Về cơ bản, quyết định của Triều Tiên dường như là một lời phản đối, nhằm hối thúc Seoul thuyết phục Mỹ, bởi nhân tố Washington hiện nay là rào cản cho việc thực thi các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên. Bình Nhưỡng sẽ có suy nghĩ thông qua việc rút khỏi văn phòng, nước này có thể gây sức ép tốt hơn đối với Hàn Quốc, thay vì vận hành văn phòng theo đúng thủ tục."

Giới phân tích cho hay, Seoul cần phản ứng mau lẹ, bằng cách cử một đặc phái viên tới Triều Tiên hoặc tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4.

Theo giới phân tích, xác suất Mỹ chấp thuận yêu cầu của Triều Tiên là thấp, ví dụ như việc nhất trí giải pháp từng bước một hay dỡ bỏ một phần trừng phạt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.