Giới thiệu ẩn phẩm đặc biệt kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ Xô-Việt

Lãnh đạo Cơ quan Lữu trữ Nga một lần nữa khẳng định ý nghĩa đặc biệt của chuyến bay lịch sử ngày 23/7/1980 của phi hành đoàn Xô-Việt, coi đây là mốc son cho tình hữu nghị hai nước.
Trang bìa ẩn phẩm đặc biệt kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ Xô-Việt. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 21/10, tại thủ đô Moskva diễn ra chương trình giới thiệu trực tuyến ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 40 năm chuyến bay vào vũ trụ Xô-Việt của nhà du hành vũ trụ Liên xô Viktor Gorbatko và phi công Việt Nam Phạm Tuân (23/07/1980-23/07/2020).

Ấn phẩm này được hoàn thành trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch hoạt động chung của Cơ quan lưu trữ Liên bang Nga và Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước Việt Nam giai đoạn 2019-2022.

Tham dự buổi giới thiệu sách có ông Andrei Viktorovich Yurasov - Phó giám đốc Cơ quan lưu trữ Liên bang Nga, đại diện các đơn vị lưu trữ nhà nước liên bang, Tập đoàn vũ trụ nhà nước Roskosmos, Trung tâm đào tạo các nhà du hành vũ trụ mang tên Yuri Gagarin, Giám đốc điều hành các chương trình không gian có người lái thuộc Roskosmos nhà du hành vũ trụ, Anh hùng Liên xô, Anh hùng Nga Sergei Krikaliev. Về phía Việt Nam, có bà Nguyễn Quỳnh Mai - Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt ấn phẩm, Phó Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga Andrei Viktorovich Yurasov nhắc lại chuyến bay lịch sử diễn ra cách đây 40 năm tại sân bay vũ trụ Baikonur.

Khi đó, tàu Soyuz-37 (Liên hợp 37) đưa phi công vũ trụ Viktor Gorbatko của Liên Xô và Phạm Tuân của Việt Nam bay vào vũ trụ, thực hiện chuyến du hành tám ngày trước khi trở về Trái đất.

Lãnh đạo Cơ quan Lữu trữ Nga một lần nữa khẳng định ý nghĩa đặc biệt của chuyến bay lịch sử ngày 23/7/1980 của phi hành đoàn Xô-Việt, coi đây là mốc son cho tình hữu nghị hai nước.

[Chuyến bay lịch sử và tình bạn đặc biệt của 2 nhà du hành vũ trụ]

Đây là chuyến bay thứ sáu trong chương trình hợp tác nghiên cứu vũ trụ của các nước xã hội chủ nghĩa với tên gọi Interkosmos. Chương trình này hướng đến thăm dò và sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình.

Với sự ra mắt ấn phẩm đặc biệt này, ông Andrei Yurasov tin tưởng rằng bạn đọc Nga và Việt Nam sẽ được cung cấp nhiều thông tin thú vị xung quanh chuyến bay này, trong đó có nhiều chi tiết lần đầu tiên được công bố.

Một số nội dung được giới thiệu trong ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ Xô-Việt. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Trong khi đó, phát biểu trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng bày tỏ vui mừng về việc ra mắt ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 40 năm chuyến bay vào vũ trụ Xô-Việt của nhà du hành vũ trụ Liên xô Viktor Gorbatko và phi công Việt Nam Phạm Tuân đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đánh giá cao nỗ lực và sự phối hợp của hai cơ quan lưu trữ hai nước trong việc hoàn thiện cuốn sách này, ông Đặng Thanh Tùng khẳng định phía Việt Nam sẽ nỗ lực để sớm phổ biến rộng rãi ấn phẩm này, giúp độc giả trong nước được tiếp cận nhiều tài liệu quan trọng về chuyến bay lịch sử này lần đầu tiên được công bố.

Về phần mình, Tham tán công sứ Nguyễn Quỳnh Mai nhấn mạnh, thành công của chuyến bay lịch sử năm 1980 là biểu tượng của tình hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô, nay là Liên bang Nga.

Sự hỗ trợ lẫn nhau thực hiện chuyến bay này đã trở thành nền tảng cho khởi đầu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ tại Việt Nam. Sau 40 năm kể từ chuyến bay vũ trụ đầu tiên, Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể trong ngành nghiên cứu vũ trụ.

Bà Nguyễn Quỳnh Mai tin tưởng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ vì mục đích hòa bình tiếp tục phát triển, từng bước được nâng lên tầm cao mới, góp phần tăng cường và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Việt Nam tham gia chương trình Interkosmos năm 1979. Cùng năm này, sau cuộc tuyển chọn ứng cử viên phi công vũ trụ, hai phi công Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm được chọn và gửi đến đào tạo tại Trung tâm huấn luyện phi hành gia mang tên Yuri Gagarin.

Hoàn thành khóa huấn luyện vũ trụ tổng hợp và chuẩn bị cho các chuyến bay trên tàu vũ trụ có người lái Soyuz, Phạm Tuân được chỉ định vào đội bay chính, còn Bùi Thanh Liêm vào vị trí dự bị.

Ngày 23/7/1980, Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko bay vào vũ trụ và ở lại làm nghiên cứu trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS một thời gian trước khi trở về Trái Đất.

Theo giới thiệu của đại diện đơn vị lưu trữ nhà nước về tư liệu của Nga, ấn phẩm đặc biệt này bao gồm các tài liệu về việc Việt Nam tham gia chương trình vũ trụ quốc tế Intersputnik, công văn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc chấp thuận các ứng viên và cử phi công Việt Nam sang Liên Xô học tập tại Trung tâm đào tạo các nhà du hành vũ trụ mang tên Yury Gagarin, các bức ảnh tư liệu minh họa việc huấn luyện phi hành đoàn quốc tế, các hoạt động trước chuyến bay với sự tham gia của các đoàn đại biểu hai nước và họp báo, xuất phát và chuyến bay của tàu vũ trụ.

Trong ấn phẩm còn có các sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Hội đồng tối cao Liên xô, các bức ảnh về các hoạt động sau chuyến bay ở thị trấn Ngôi sao và trên lãnh thổ Việt Nam với sự tham gia của các nhà du hành vũ trụ và các quan chức cấp cao, cũng như các tư liệu in ấn theo từng giai đoạn của thời kỳ đó.

Tham gia vào việc lựa chọn cho tuyển tập sách này có các đơn vị lưu trữ nhà nước của Nga về tư liệu, kinh tế, lịch sử chính trị-xã hội, Cơ quan lưu trữ nhà nước liên bang Nga, Trung tâm đào tạo các nhà du hành vũ trụ mang tên Yury Gagarin, Liên đoàn vũ trụ Nga, các cơ quan lưu trữ của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục