Google, Facebook tại Australia trốn hàng chục triệu USD tiền thuế

Google và Facebook thu được hàng tỷ AUD trong năm 2018 nhưng chỉ trả tổng cộng chưa đến 40 triệu AUD (28,2 triệu USD) tiền thuế ở Australia.
Biểu tượng của Google. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các tài liệu từ Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (ASIC) cho thấy Google và Facebook thu được hàng tỷ AUD trong năm ngoái, nhưng chỉ trả tổng cộng chưa đến 40 triệu AUD (28,2 triệu USD) tiền thuế ở Australia.

Năm 2018, Google Australia có tổng doanh thu 1,07 tỷ AUD, trong đó có 560,6 triệu AUD quảng cáo và doanh thu của các đại lý, nhưng báo cáo lợi nhuận trước thuế chỉ là 155,9 triệu AUD.

Tính ra, công ty phải nộp 49,1 triệu AUD tiền thuế, nhưng sau một số điều chỉnh, công ty này thực trả có 26,5 triệu AUD.

Sổ sách kế toán của công ty cho thấy phần lớn doanh thu quảng cáo được ghi nhận ở nước ngoài cho Google châu Á-Thái Bình Dương đóng trụ sở tại Singapore, nơi có mức thuế thấp.

Google giải thích hãng đã đầu tư gần 1 tỷ AUD vào hoạt động tại Australia trong năm qua và chi nhánh tại nước này chỉ có chức năng "hỗ trợ" cho việc bán quảng cáo giữa nhà quảng cáo và Google-châu Á Thái Bình Dương.

[Mảng quảng cáo trực tuyến khiến Google có quý kinh doanh thất vọng]

Trong khi đó, năm ngoái Facebook Australia "bỏ túi" 579,7 triệu AUD từ quảng cáo và gần 696.000 AUD từ các hợp đồng dịch vụ.

Sau khi trả 454,9 triệu AUD cho một công ty con ở nước ngoài, Facebook Australia còn doanh thu ròng là 125,5 triệu AUD. Cuối cùng, công ty chỉ phải trả vỏn vẹn 11,8 triệu AUD tiền thuế.

Chính phủ Australia mới đây đã ban hành đạo luật chống trốn thuế nhằm thu thêm thuế từ các công ty đa quốc gia, khiến cả Google và Facebook phải trả nhiều thuế hơn ở Australia so với những năm trước.

Tuy nhiên, doanh số của các đại gia công nghệ cũng tăng vọt và đạo luật này đã không thể ngăn được việc chuyển một số lượng doanh thu quảng cáo khổng lồ sang những quốc gia có thuế thấp như Singapore.

Đầu năm nay, Chính phủ Australia đã hoãn việc đánh thuế doanh số của các công ty kỹ thuật số để chờ Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) đưa ra giải pháp toàn cầu cho vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục