Góp ý kiến về Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hồ Quang Lợi, từ 1/1/2017, Luật Báo chí 2016 bắt đầu có hiệu lực nên dự kiến đưa Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo vào thực thi cùng với Luật.
Góp ý kiến về Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo ảnh 1Phóng viên phỏng vấn đại biểu Quốc hội bên lề một phiên họp của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo xây dựng Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Đây là hội thảo quan trọng nhằm tập hợp ý kiến các nhà báo lão thành, đại diện cơ quan quản lý báo chí, cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí hàng đầu cả nước để tiến tới hoàn thiện bộ Quy định.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí 2016 bắt đầu có hiệu lực. Thời điểm dự kiến đưa Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo vào thực thi cùng lúc với Luật.

Việc xây dựng Bộ Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam đã và đang được các cấp Hội trong toàn quốc hưởng ứng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Việc xây dựng Quy định cũng thuận lợi bởi Việt Nam đã có những bộ luật, quy định có tính nền tảng là Hiến pháp 2013, Luật Báo chí năm 2016, Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp ban hành năm 2005…

Ông Hồ Quang Lợi cũng cho rằng: Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam hướng tới giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút.

Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng rằng Bộ Quy định này có giá trị dẫn dắt lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút. Từ đó, Bộ Quy định sẽ lan tỏa trong đời sống báo chí, tác động trực tiếp, tích cực đến đội ngũ người làm báo cả nước. Trên nền tảng luật pháp và đạo đức, những người làm báo Việt Nam cùng chung sức xây dựng một nền báo chí lành mạnh, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích tối cao của đất nước, nhân dân.

Vấn đề Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt lưu ý khi xây dựng Bộ Quy định này là đời sống xã hội, đời sống báo chí hiện nay rất sôi động, đa dạng, có nhiều diễn biến phức tạp. Vấn đề đạo đức báo chí đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.

Do đó, Quy định phải đảm bảo số lượng điều, ngôn từ, câu chữ không nhiều nhưng phải thể hiện được những nội dung cơ bản, thiết yếu nhất. Tất cả những nội dung không thể thiếu phải được thể hiện bằng câu chữ ngắn gọn, vừa có tính khái quát lại vừa cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện…

Bộ dự thảo Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam đã qua 2 lần tổ chức nghiên cứu và đóng góp ý kiến của thành viên Ban soạn thảo. Đến thời điểm này, Ban soạn thảo đã cân nhắc, chắt lọc và đưa ra bản dự thảo Quy định gồm 9 điều và đang tiếp tục thu thập thêm các ý kiến đóng góp để hoàn thiện.

Theo đó, Bộ Quy định mới được xây dựng trên cơ sở kế thừa Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ban hành năm 2005, đồng thời tham khảo từ các bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp của các nước khác. Việc xây dựng Quy định mới cũng dựa trên cơ sở nhận thức về mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức-2 phạm trù luôn gắn kết, thống nhất với nhau.

Đây là điểm mới và rất căn bản của Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo lần này. Bên cạnh đó, Quy định mới cũng căn cứ vào những biến động, thay đổi, nét mới của đời sống xã hội, đời sống báo chí và thời đại truyền thông kỹ thuật số - những điều mà Quy định năm 2005 chưa đề cập tới…

Trong dự thảo Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam lần này có đề cập đến việc các nhà báo phải nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Đây cũng là điểm mới và đáp ứng được thực tiễn đời sống xã hội ngày nay khi mà công nghệ thông tin phát triển và mạng xã hội là công cụ trao đổi, chia sẻ thông tin, thể hiện quan điểm chính trị được đông đảo công chúng biết đến.

Do đó, các nhà báo khi tham gia mạng xã hội thì ngoài trách nhiệm của một nhà báo còn có trách nhiệm xã hội, công dân nên cách diễn đạt phải phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục