GS Ngô Bảo Châu: Cần phát triển toán học ứng dụng

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý, sau hai năm thành lập, các kết quả đạt được đã khẳng định sự thành công bước đầu của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Với hiệu quả hoạt động của Viện trong 2 năm qua, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã thực hiện đúng niềm tin của Thủ tướng Chính phủ đã trao. Giáo sư Châu đã năng động trong việc kết nối các hoạt động của viện, mỗi năm dành 3 tháng hoạt động tại viện. Đặc biệt, việc xét thưởng công trình toán học, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên giỏi ngành toán được đánh giá là một bước tiến lớn đối với toán học Việt Nam, biến ước mơ “có giải thưởng 1.000 USD giành cho công trình toán học” bao nhiêu năm thành hiện thực.
Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu sau hai năm thành lập nhưng Viện nghiên cứu cấp cao về Toán cần đẩy mạnh hơn nữa hướng nghiên cứu ứng dụng. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi Sơ kết hai năm hoạt động của Viện vừa diễn ra hôm nay, 24/8, tại Hà Nội.

Bước đầu thành công


Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được thành lập năm 2010, do Giáo sư Ngô Bảo Châu làm Giám đốc khoa học và Giáo sư Lê Tuấn Hoa là Giám đốc điều hành. Viện có ba nhiệm vụ chính là nâng cao trình độ nghiên cứu, phát triển toán học Việt Nam; bồi dưỡng đào tạo học sinh, sinh viên toán, nâng cao trình độ giáo viên toán; triển khai toán học ứng dụng và ứng dụng toán học tại Việt Nam.

Theo Giáo sư Lê Tuấn Hoa, hai năm qua, các thành viên của Viện đã hoạt động tích cực và đạt nhiều kết quả.

Về công tác nghiên cứu, Viện đã đón nhận 137 cán bộ nghiên cứu đến làm việc, trong đó có 40 nhà toán học là người nước ngoài hoặc người Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Viện cũng đã công bố 21 công trình trên các tạp chí toán học quốc tế có uy tín và 69 công trình công bố dưới dạng tiền ấn phẩm. Viện đã tổ chức 8 hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về các chuyên ngành, lĩnh vực của toán học, trong đó có 2 hội nghị rất lớn là Hội nghị Toán học Pháp Việt tổ chức tháng 8/2012 tại Huế với gần 450 đại biểu tham dự và Đại hội Toán học Việt Nam lần thứ 8 từ ngày 10 đến 14/8/2013 vừa qua tại Nha Trang với gần 700 đại biểu tham dự.

Với nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh, giáo viên toán, Viện đã tổ chức 17 khoá đào tạo ngắn hạn, các lớp bồi dưỡng cho hàng nghìn học sinh, sinh viên, giáo viên và giảng viên ngành toán. Việc xét thưởng công trình toán học, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên giỏi ngành toán đã thực sự tạo sinh khí mới, động lực mới đối với những người đam mê toán học…

Trong vấn đề nghiên cứu ứng dụng toán học, Viện đã tổ chức cho một nhóm gồm Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Viettel nghiên cứu về xử lý tín hiệu radar, phối hợp với Viện John von Neuman (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo về tài chính phái sinh. Viện cũng đang xúc tiến các hướng ứng dụng khác như xử lý số liện viễn thông, bài toán giao thông…

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý, sau hai năm thành lập, các kết quả đạt được đã khẳng định sự thành công bước đầu của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Với hiệu quả hoạt động của Viện trong 2 năm qua, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã thực hiện đúng niềm tin của Thủ tướng Chính phủ đã trao. Giáo sư Châu đã năng động trong việc kết nối các hoạt động của viện, mỗi năm dành 3 tháng hoạt động tại viện. Đặc biệt, việc xét thưởng công trình toán học, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên giỏi ngành toán được đánh giá là một bước tiến lớn đối với toán học Việt Nam, biến ước mơ “có giải thưởng 1.000 USD giành cho công trình toán học” bao nhiêu năm thành hiện thực.

Cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng toán học

Tuy nhiên, điểm lại các hoạt động của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán cũng dễ nhận thấy những kết quả đạt được về ứng dụng toán học còn hạn chế.

Theo Giáo sư Nguyễn Hữu Dư, thành viên Hội đồng khoa học của Viện, không chỉ riêng toán mà với các ngành khoa học cơ bản khác việc làm sao ứng dụng vào thực tiễn là câu hỏi lớn. Toán học Việt Nam đã đặt chân vào phần ứng dụng nhưng kết quả còn khiêm tốn.

Cũng theo ông Dư, cộng đồng toán học Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của tư duy truyền thống, thích “uống rượu ngâm thơ”, nghĩa là thiên về lý thuyết, Đây là một rào cản lớn để họ xâm nhập vào ứng dụng và giải quyết vấn đề thực tiễn. “Ở đây có sự khập khiễng,” Giáo sư Dư nói.

Trong khi đó, hàng loạt vấn đề thực tiễn đời sống liên quan đến toán chưa được giải quyết thấu đáo, gây thiệt hại cho người dân, cho xã hội. Giáo sư Phạm Kỳ Anh nêu ví dụ như dự báo thời tiết, toán học hoàn toàn có thể tham gia tính toán mô hình dự báo thời tiết để hạn chế dự báo còn nhiều sai số hiện nay. Bài toán điều hành hồ chứa nước cũng đang rất cần toán học vào cuộc vì hiện chúng ta vẫn đang sử dụng phương pháp tính toán không hiệu quả.

Cùng vấn đề này, Phó Giáo sư Dương Nguyên Vũ cũng cho rằng, nếu gắn toán học với ứng dụng sẽ thu hút được thế hệ trẻ đến với toán nhiều hơn. Ông cũng chia sẻ: “Giấc mơ của tôi là Việt Nam sẽ là một nước hàng đầu Á châu về về toán tài chính. Tôi theo đuổi việc kết hợp công nghệ thông tin và toán tài chính.” Tuy nhiên, vị Phó Giáo sư cũng tỏ ra rất băn khoăn về giấc mơ của mình khi toán ứng dụng còn ít phát triển ở Việt Nam.

Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, việc nghiên cứu và ứng dụng toán học là một nhiệm vụ trọng tâm và khó trong các nhiệm vụ của Viện. Đây cũng là vấn đề mà ông rất băn khoăn và trong thời gian tới, Viện sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục