Guatemala đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị mới

Hàng trăm người biểu tình thuộc các nhóm thiểu số, vùng nông thôn và sinh viên đã tuần hành ở trung tâm thủ đô Guatemala City để phản đối việc trục xuất một quan chức Liên hợp quốc.
Guatemala đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị mới ảnh 1Những người biểu tình ở Guatemala. (Nguồn: AP)

Chính trường Guatemala đang đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị mới khi nhiều người xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Jimmy Morales liên quan đến quyết định yêu cầu trục xuất một quan chức Liên hợp quốc đang tiến hành điều tra tham nhũng đối với ông này.

Ngày 28/8, hàng trăm người biểu tình thuộc các nhóm thiểu số, vùng nông thôn và sinh viên đã tuần hành ở trung tâm thủ đô Guatemala City để phản đối việc trục xuất ông Ivan Velasquez, Chủ tịch Ủy ban quốc tế chống miễn trừ tại Guatemala (CICIG) của Liên hợp quốc, đồng thời yêu cầu ông Morales từ chức do những cáo buộc tham nhũng.

Quyết định này của ông Morales đã vấp phải sự phản đối của chính giới nước này, trong khi Tòa án Hiến pháp Guatemala ngay sau đó đã bác quyết định của tổng thống.

Trước sức ép từ dư luận trong nước cũng như những chỉ trích của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Morales cùng ngày 28/8 cho biết sẽ "tôn trọng các quyết định của tòa," đồng nghĩa với việc rút lại yêu cầu thúc đẩy việc trục xuất vị quan chức Liên hợp quốc.

Tổng thống Guatemala vẫn tuyên bố ông Velasquez là người "không được hoan nghênh" tại Guatemala và nhà lãnh đạo Guatemala cho biết sẽ đợi quyết định cuối cùng của tòa án trong những ngày tới sau phán quyết sơ bộ của tòa hôm 27/8.

Trước đó, ngày 27/8, Tổng thống Morales đã ra lệnh trục xuất ông Velasquez với cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của Guatemala và tìm cách gây sức ép buộc các nhà lập pháp thông qua cải cách hiến pháp.

Tổng thống Morales cho biết quyết định của ông dựa trên Hiến pháp, Công ước Vienna và một thỏa thuận ký kết giữa Chính phủ và Liên hợp quốc năm 2006 về việc thành lập CICIG.

Quyết định này của ông Morales đã vấp phải sự phản đối của chính giới nước này.

Bộ trưởng Y tế Guatemala Lucrecia Hernandez cùng 3 thứ trưởng bộ này đã từ chức.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ sự ngạc nhiên trước quyết định trên. Mỹ, Canada và hàng loạt quốc gia châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ) đều lên tiếng phản đối quyết định này.

Quyết định trục xuất của Tổng thống Guatemala được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi cơ quan công tố và CICIG đệ đơn yêu cầu điều tra ông Morales về các sai phạm trong suốt chiến dịch tranh cử.

Theo các nhà điều tra Liên hợp quốc, ông Morales bị nghi ngờ gian dối trong công bố các ngân quỹ dành cho chiến dịch tranh cử tổng thống với giá trị giao dịch ước tính lên đến khoảng 1 triệu USD.

Hồi tháng Một năm nay, CICIG cùng cơ quan công tố Guatemala đã khởi tố em trai và một con trai của Tổng thống Morales phạm tội gian lận trong thống kê tài sản. Cả 2 đang bị quản thúc tại gia chờ xét xử.

Ông Jimmy Morales, một diễn viên hài và ứng cử viên tổng thống độc lập không có nhiều kinh nghiệm chính trị, đã bất ngờ đắc cử năm 2015 với cam kết về việc xóa bỏ nạn tham nhũng.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm cầm quyền, ông Morales đang phải đối mặt nhiều cáo buộc về tham nhũng, bao che cho các hành vi trốn thuế và dung túng cho các doanh nghiệp từng “nhúng chàm” trong vụ bê bối tham nhũng mang tên “Đường dây."

CICIG, do cựu thẩm phán người Colombia Velasquez đứng đầu từ năm 2013, đã đóng vai trò then chốt trong việc phanh phui vụ bê bối “Đường dây” năm 2015 khiến chính phủ của Tổng thống Guatemala khi đó Otto Pérez Molina sụp đổ và bản thân vị cựu nguyên thủ này cũng bị bắt giam sau khi từ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.