Hà Nội bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày, không khí ô nhiễm nặng

Sáng 15/1, Hà Nội bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày, hạn chế tầm nhìn của người tham gia thông, nhiều xe ôtô phải bật đèn, không khí ô nhiễm nặng, xuất hiện nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe.
Các tòa nhà cao tầng chìm trong làn sương mờ nhìn từ đường Trần Nhật Duật. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Sáng 15/1, Hà Nội bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày, hạn chế tầm nhìn của người tham gia thông, nhiều xe ôtô phải bật đèn, không khí ô nhiễm nặng, xuất hiện nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe.

Ở những thời điểm ô nhiễm bụi tăng cao, để phòng ngừa hít phải bụi mịn, các bác sỹ khuyến cáo, người dân mang những loại khẩu trang có kích thước lọc nhỏ, cần hạn chế ra đường, nhất là vào giờ cao điểm bởi thời điểm này nồng độ bụi mịn cao do lượng xe lưu thông lớn, kẹt xe khiến thời gian phải tiếp xúc với bụi mịn kéo dài và lượng bụi mịn đi vào cơ thể nhiều hơn. Người dân cũng nên hạn chế các hoạt động thể lực, thể thao gần đường giao thông, hạn chế hút thuốc lá, đốt hương.

Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường VN Air (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội ở mức màu tím - mức nguy hại, ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Lúc 8 giờ ngày 15/1, Tổng cục Môi trường VN Air (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận đa số các điểm quan trắc ở Hà Nội đều màu đỏ với chỉ số AQI ở mức 151-193, có hại cho sức khỏe của con người.

AirVisual là tên ứng dụng và website của IQAir dự báo, trong 2 ngày cuối tuần (16-17/1), chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn ô nhiễm. Lúc 8 giờ ngày 15/1, chỉ số chất lượng không khí AQI ở Hà Nội là 285, mức màu tím, rất có hại cho sức khỏe. Chỉ số này còn giữ đến 13 giờ, khi nắng lên không khí sẽ bớt ô nhiễm hơn.

[Hà Nội triển khai nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí]

Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, ghi nhận chỉ số AQI ở hầu khắp Hà Nội lúc 8 giờ đều mức đỏ, tím, nâu và có tới 16 điểm quan trắc ở mức nâu (302-440) là mức không khí bị ô nhiễm nặng nề, dễ làm phát sinh các bệnh lý hô hấp và dị ứng nghiêm trọng.

Các điểm này gồm thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh); Trần Hưng Đạo (thị xã Sơn Tây); Phú Đông (huyện Ba Vì); Lê Quang Đạo, Cổ Đông, Pam Farm-Vân Côn (huyện Hoài Đức); Trung tâm đổi mới công nghệ-công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất); Hệ thống liên cấp Lômônôxốp (quận Hà Đông), Đại học mỏ Địa chất (quận Bắc Từ Liêm), Quảng An (quận Tây Hồ), Ngọc Thụy, Gia Thượng (quận Long Biên), Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm); chung cư A1-Khu đô thị Hạ Đình (quận Thanh Xuân); Đê La Thành (quận Đống Đa).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ của Hà Nội cũng như khu vực phía Bắc đang trong giai đoạn, ban ngày đạt ngưỡng 19-21 độ C, cảm giác ấm lên rõ rệt, tuy nhiên đêm và sáng nhiệt độ giảm sâu xuống ở mức 6 độ C, vùng núi có nơi dưới 6 độ C. Ngày và đêm nhiệt độ chênh nhau nhiều, cảm giác rét buốt về đêm và sáng. Trạng thái này duy trì đến ngày 16/1, trước khi đón đợt không khí lạnh mới dự báo ngày 17/1 tới.

Theo Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố miền Bắc đang trong mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm.

Vào những ngày có độ ẩm cao, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.

Người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao nên thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục