Hà Nội đã giải ngân bao nhiêu vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm?

Theo lãnh đạo Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, con số 21,2% kế hoạch đã giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm (tăng thêm 30.000 tỷ đồng so với năm trước) là khích lệ.
Ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thông tin về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm của Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Thông tin về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố Hà Nội trong buổi họp báo chiều 26/6, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết lũy kế đến ngày 15/6 đạt 17.175 tỷ đồng (đạt 21,2% kế hoạch).

Vị đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng với các con số nêu trên theo đánh giá của Ủy ban thành phố Hà Nội là tương đối thấp và có một số khó khăn vướng mắc (song vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái).

Minh chứng thêm, ông Hiếu đơn cử về khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá thì người dân còn chưa đồng thuận với phương án bồi thường tái định cư, đây là một khó khăn nhiều năm song đến nay chưa được giải quyết triệt để.

“Tới đây căn cứ vào Luật đất đai có hiệu lực, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu và đưa ra các cơ chế liên quan đến giải phóng mặt bằng làm sao để dung hòa giữa lợi ích của Nhà nước khi đầu tư các công trình đầu tư công cũng như đảm bảo lợi ích của người dân khi bị tác động bởi việc giải phóng mặt bằng và quan trọng nhất là câu chuyện nơi mới của người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ,” ông nói.

Thông tin khó khăn tiếp theo không chỉ ở Hà Nội mà toàn quốc đặc biệt đối với các công trình trọng điểm sử dụng khối lượng nguyên vật liệu rất lớn, ông Hiếu nhấn mạnh đến nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng. Tiếp theo là các dự án sử dụng vốn ODA gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến giải ngân…

Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư…; Nâng cao kỷ luật, kỷ cương việc thực hiện kế hoạch và Thủ trưởng các sở, ban ngành, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện kế hoạch.

Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát trình Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời điều chỉnh vốn những dự án có khả năng giải ngân thấp hoặc có nhiều vướng mắc… tổng hợp tình hình kế hoạch giải ngân ở các đơn vị, tham mưu Ủy ban thành phố để có giải pháp đôn đốc các đơn vị giải quyết các thủ tục vướng mắc trong đầu tư các dự án.

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết năm 2023 tổng vốn thành phố giao và giải ngân số tròn là 51.064 tỷ đồng (đạt 108% kế hoạch Trung ương giao và 95,5% vốn Hội đồng Nhân dân thành phố giao).

Tuy vậy, năm 2024, Trung ương giao cho thành phố Hà Nội giải ngân 81.000 tỷ đồng (tăng khoảng 30.000 tỷ đồng), với mức giải ngân là 21,2% cao hơn so với cùng kỳ (có nghĩa là ngoài việc cao hơn lũy kế cơ học thì phải chịu phần tăng 30.000 tỷ đồng). Như vậy, không phải là Hà Nội giải ngân thấp và năm nay thành phố phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công ít nhất ở mức như năm 2023 (trên 95%).

“Nói con số 21,2% nhưng mẫu số tăng cao-thêm 30.000 tỷ đồng, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm để đạt tỷ lệ này thật sự đáng khích lệ và cả Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo thành phố, hình thành 5 chuyên đề để tập trung giải ngân vốn đầu tư công và năm 2024 xác định là năm rất quan trọng để hoàn thành vốn đầu tư công này,” ông Trương Việt Dũng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục