Ngày 4/7, tiếp tục ngày làm việc thứ 2 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; Thu, chi ngân sách, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Theo đó, với việc kiên định chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,0%, Nghị quyết đặt ra yêu cầu các cấp, ngành phải vào cuộc quyết liệt, tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm.
Nghị quyết cũng xác định rõ tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong kéo dài nhiều năm. Kinh tế Thủ đô bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là thị trường xuất khẩu suy giảm, doanh nghiệp khó khăn, sức mua của thị trường nội địa và sản xuất, kinh doanh có xu hướng tăng chậm lại... Qua đó, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thực hiện hoàn thành mục tiêu, chi tiêu kinh tế-xã hội năm 2023.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,0%, quý 3 phải tăng từ 7,54% trở lên, quý 4 phải tăng từ 8,23% trở lên. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm.
Trên cơ sở đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quyết nghị tập trung đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm; công tác giải phóng mặt bằng; tăng trách nhiệm người đứng đầu; đưa kết quả giải ngân thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2023...
Ngoài ra, thành phố đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị, bảo vệ môi trường; Tăng cường tiến độ thực hiện Đề án cải tạo chung cư cũ; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tổng kết thực hiện Luật Thủ đô 2012 và đề xuất nội dung điều chỉnh Luật Thủ đô để trình Quốc hội thông qua.
[Hà Nội: Thu hút vốn FDI dẫn đầu cả nước, vượt kết quả năm 2022]
Bên cạnh đó, Nghị quyết tập trung thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, mỗi lĩnh vực; Triển khai các kế hoạch chuyên đề phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tín dụng đen, lừa đảo qua mạng, đua xe trái phép, cướp giật; Bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước, nhất là trên môi trường mạng; Bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ.
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương tăng cường thông tin, truyền thông, dân vận, tạo đồng thuận xã hội và ngăn chặn kịp thời thông tin xấu, độc, sai sự thật, xuyên tạc, nhất là trên không gian mạng.
Tại Kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về 12 mức chi theo thẩm quyền. Điển hình như Quy định về nội dung, mức chi xây dựng đối với dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021-2030.
Đối tượng hỗ trợ gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố hiện đang sản xuất nông nghiệp, có nhu cầu được hỗ trợ; Doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách thành phố. Dự kiến kinh phí phát sinh tăng sau khi chính sách ban hành khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Quy định nội dung chi và mức chi phục vụ Đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức chính trị xã hội, các hội có tính chất đặc thù của thành phố; các chương trình làm việc của thành phố và các hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn. Trong đó chi vật phẩm kỷ niệm tại các Đại hội nhiệm kỳ của các hội có tính chất đặc thù và của các tổ chức chính trị xã hội của thành phố; Chi quảng bá các sản phẩm có đóng góp cho nền kinh tế Thủ đô tại các chương trình làm việc của thành phố và các hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn do cấp thành phố tổ chức, tham dự. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách thành phố. Dự kiến kinh phí phát sinh tăng sau khi chính sách được ban hành khoảng 101,3 tỷ đồng/năm.
Về quy định một số nội dung, mức chi tập huấn, thi đấu và thuê chuyên gia huấn luyện các đội tuyển thể thao Hà Nội, các đối tượng không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước bao gồm huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, bác sỹ, chuyên gia, phiên dịch sẽ có mức chi thực hiện nhiệm vụ trong nước và tại nước ngoài bao gồm những khoản thanh toán trực tiếp cho cá nhân người đi công tác; Thủ tục lưu trú, tạm trú, chi phí khám sức khỏe, điều trị khi ốm đau, chấn thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thực phẩm chức năng, nước uống; Thuê địa điểm tập, thuê trang thiết bị, phí tập luyện, lệ phí thi đấu, các loại phí khác; mua trang thiết bị tập huấn, thi đấu. Mức chi thuê chuyên gia, phiên dịch, bao gồm tiền lương, tiền ăn, chi phí khác.
Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách cấp thành phố. Dự kiến kinh phí phát sinh tăng sau khi chính sách ban hành khoảng 13,4 tỷ đồng/năm./.