Hệ thống thương mại-dịch vụ của Hà Nội trong những năm qua không ngừng được đầu tư, mở rộng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Đặc biệt, với những bước tiến mạnh mẽ, thương mại của Hà Nội luôn giữ vai trò trụ cột, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, trở thành đầu tàu dẫn dắt hoạt động kinh tế của cả nước.
Vươn mình mạnh mẽ
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, quy mô, hoạt động thương mại dịch vụ của Hà Nội đã có những bước tăng trưởng mạnh, vượt xa gấp nhiều lần quy mô thương mại những giai đoạn trước đó.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng mạnh về thương mại nội địa là nhân tố quan trọng giúp Hà Nội trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thay đổi diện mạo ngành thương mại-dịch vụ Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại.
[Hà Nội kết nối hơn 100 doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại]
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Hà Nội hiện có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 1.840 cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm và 455 chợ truyền thống…
Với sức hấp dẫn và tiềm năng sẵn có, nhiều thương hiệu tên tuổi của nước ngoài như AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc)… đã không ngừng mở rộng và tăng sự hiện diện tại Thủ đô, góp phần nâng cao sự trải nghiệm cho người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt và tăng giá trị các sản phẩm hàng hóa trong nước.
Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki, cho biết Tập đoàn AEON xem thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 sau Nhật Bản để phát triển hoạt động kinh doanh. Mục tiêu của AEON là mở 30 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2030, tập trung tại các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Còn theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, người tiêu dùng Thủ đô cũng đã quen thuộc với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, mô hình tạp hóa mới, như: Winmart, Co.op Food, Ecofood, Tomita… hay các siêu thị điện máy như: Nguyễn Kim, Thế giới di động, Media Mart…
Đặc biệt, các doanh nghiệp bán lẻ còn tích cực thực hiện các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của các hình thức bán lẻ hiện đại là một trong những điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Thủ đô.
Đánh giá cao vai trò của hệ thống thương mại Hà Nội, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, đóng góp của thương mại, dịch vụ Thủ đô vào tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là rất lớn, cho thấy thương mại, dịch vụ, thị trường trong nước luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.
Khẳng định vị thế đầu tầu
Hà Nội không chỉ giữ vai trò trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, mà còn là đầu tầu tạo động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.
Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, với thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015 và gấp 1,8 lần bình quân của cả nước.
Nhằm tạo thêm động lực phát triển cho Hà Nội, tại Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại,” phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.
Để đạt kết quả ấn tượng trên, nhất là năm 2020 khi đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề, là một quá trình phấn đấu bền bỉ.
Điều đó thể hiện qua tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 duy trì ở mức cao và luôn cao hơn mức tăng GDP bình quân chung của cả nước: Năm 2016, GRDP Hà Nội tăng 7,16%, trong khi GDP cả nước 6,21%; năm 2017, Hà Nội tăng 7,37%, trong khi cả nước tăng 6,71%.
Còn trong năm 2018, Hà Nội tăng 7,46%, cả nước tăng 7,08%; năm 2019, Hà Nội tăng 7,63%, cả nước tăng 7,02%; năm 2020, Hà Nội tăng 3,98%, cao gấp gần 1,4 lần mức tăng bình quân chung của cả nước.
Để tạo thêm động lực phát triển kinh tế của Thủ đô, đối với lĩnh vực thương mại, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành nhiều đề án, chương trình phát triển các kênh phân phối, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, máy bán hàng tự động, tổ chức kinh doanh thương mại tại phố đi bộ… Cùng đó, các loại hình thương mại-dịch vụ văn minh, hiện đại đang ngày càng được đầu tư, phát triển.
Bà Trần Thị Phương Lan thông tin thêm, thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao.
Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn, với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.
Những kết quả đáng ghi nhận nói trên là sự thể hiện rõ ràng về việc đưa nội dung các nghị quyết vào cuộc sống. Đó là một quá trình, với sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ từ cấp hoạch định chính sách, điều hành đến từng đơn vị cụ thể trên cơ sở huy động, phát huy những thế mạnh, nguồn lực vật chất và tinh thần, kết hợp sức mạnh thời đại và bản lĩnh, trí tuệ của lãnh đạo và người dân Thủ đô…
Như lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, vai trò, vị thế của Thành phố Hà Nội ngày càng được khẳng định, có quan hệ ngoại giao với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước trên thế giới; xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu mối giao thương lớn của khu vực và thế giới…/.