Trước mối lo về vấn nạn ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quy định không hình thành mới các cơ sở sản xuất thuộc các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, cũng như công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại khu vực dân cư nông thôn.
Theo kế hoạch số 235/KH-UBND vừa được Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký ban hành, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành và các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý một số cơ sở có loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (như tái chế kim loại - nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc) và các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng hoạt động trong các làng nghề chưa được công nhận.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực rà soát, phân loại các cơ sở trong làng nghề theo các loại hình sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường; rà soát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các khu, cụm công nghiệp đã xây dựng.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Công thương chủ trì thực hiện rà soát thực tế tại các địa phương để lập danh sách, phân loại làng nghề, làng có nghề truyền thống trên địa bàn thành phố theo các loại hình sản xuất; tăng cường quản lý các cơ sở, sản xuất kinh doanh sử dụng hóa chất, tránh tình trạng sử dụng hóa chất không đúng quy định gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường…
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề phân bố không đều. Trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề.
Để bảo vệ môi trường làng nghề trông công tác quản lý và phát triểm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, kiểm kê, phân loại làng nghề trên địa bàn theo 8 loại hình sản xuất (chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc; loại hình khác) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong hai năm (2016 - 2017)./.