Ngày 6/12, Tòa án Nhân dân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Ngô Thị Hợi (sinh năm 1982, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy - Hà Nội) 16 năm tù và bị cáo Nguyễn Đức Mạnh (sinh năm 1977, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai - Hà Nội) 7 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, Khoản 4-Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, bị cáo Hợi và Mạnh không có nghề nghiệp ổn định, không có chức năng, không có khả năng làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhưng năm 2017, bị cáo Hợi và bị cáo Mạnh đưa ra các thông tin gian dối, tự giới thiệu mình có biết nhiều người, có khả năng xin cấp sổ đỏ cho tám người ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Sau khi nhận hồ sơ và tiền, hai bị cáo không thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ mà chiếm đoạt số tiền đã nhận (khoảng 2 tỷ đồng).
Quá thời hạn cam kết, khi các nạn nhân phát hiện hành vi lừa đảo và yêu cầu trả lại tiền thì bị cáo Mạnh đã trả lại một phần tiền. Các bị hại đã làm đơn tố cáo Hợi và Mạnh ra cơ quan Công an.
Hà Nội: Phạt tù nhóm bị cáo đánh tráo sổ đỏ, chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng
Cụ thể, từ trước năm 2016, một số hộ dân tự ý mua bán đất tại khu vực lòng sông Hồng (thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc), nguồn gốc là đất nông nghiệp nhận thuê thầu khoán, không có sổ đỏ rồi xây dựng nhà trái phép trên đất. Việc chuyển nhượng đất giữa các bên đều viết tay, không qua văn phòng công chứng, chứng thực.
Đầu năm 2017, Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Ngọc ban hành Quyết định cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại khu vực lòng sông thôn Ngọc Giang đối với một số hộ dân.
Vào thời điểm này, Nguyễn Đức Mạnh đến thôn Ngọc Giang để mua đất thì gặp được một số hộ dân trong diện bị cưỡng chế tháo dỡ. Khi biết chuyện tháo dỡ, bị cáo Mạnh giới thiệu với các hộ dân bản thân có nhiều mối quan hệ, có thể giúp làm sổ đỏ.
Hứa hẹn với các hộ dân xong, bị cáo Mạnh quay sang nhờ người quen là bị cáo Ngô Thị Hợi làm sổ đỏ cho các thửa đất ở thôn Ngọc Giang. Hợi đưa ra mức chi phí là 300 triệu đồng mỗi thửa.
Thông qua bà Hà Thị Quế (cũng là một hộ dân bị cưỡng chế tháo dỡ), các hộ dân đã đưa một phần tiền cho bị cáo Mạnh để “chạy” thủ tục cấp sổ đỏ.
Mặc dù đã đưa tiền nhưng tháng 8/2017, các hộ dân vẫn bị Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Ngọc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ. Lúc này, bà Quế cùng các hộ dân khác hẹn gặp Mạnh để nói chuyện.
Tại đây, bị cáo Mạnh đưa ra nhận định Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Ngọc cưỡng chế sai sẽ phải chịu trách nhiệm và hứa sẽ giúp các hộ dân làm được sổ đỏ. Các hộ dân nộp tiền qua bà Quế.
Sau đó, bà Quế đã thu tiền của các hộ dân để nộp cho Mạnh. Yên tâm đã có người lo giúp sổ đỏ, các hộ dân tiếp tục lợp tôn trên phần đất bị cưỡng chế.
Đến tháng 9/2017, Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Ngọc tiếp tục phá dỡ lần thứ hai. Lần này, khi các hộ dân thắc mắc, Mạnh đã đưa họ đến nhà Ngô Thị Hợi và giới thiệu với các hộ dân đã đưa hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho Hợi, “bàn giao” các hộ dân làm việc trực tiếp với Hợi.
Bị cáo Hợi nói với các hộ dân để Hợi đi làm sổ đỏ mang tên Hợi. Sau khi làm được sổ đỏ thì sẽ làm thủ tục sang tên lại cho các hộ dân. Sau đó, bà Quế cùng bảy hộ dân khác đã đến Văn phòng Thừa phát Lại lập vi bằng với nội dung bàn giao đất cho Ngô Thị Hợi quản lý và sử dụng.
Sau đó, các hộ dân nhiều lần đưa tiền cho bà Quế để bà Quế chuyển cho bị cáo Hợi tổng cộng 1,9 tỷ đồng. Sau đó, Ngô Thị Hợi cùng các hộ dân đến Văn phòng Công chứng Đông Đô lập giấy ủy quyền cho Ngô Thị Hợi cùng luật sư Nguyễn Hoàng Phi (do Hợi thuê) thay mặt họ liên hệ với các cơ quan chức năng xin cấp sổ đỏ. Thời hạn làm sổ đỏ là trong ba tháng.
Tuy nhiên, Hợi không làm thủ tục xin cấp sổ đỏ mà chiếm đoạt số tiền rồi bỏ trốn. Hết thời hạn ba tháng, do không liên lạc được với Hợi nên ông Phi thông báo cho các hộ dân biết thửa đất của họ không nằm trong diện được cấp sổ đỏ và trả lại vi bằng cho họ. Biết mình bị lừa đảo, các nạn nhân đã làm đơn tố giác ra cơ quan Công an./.