Ngày 14/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khoa học, công nghệ của thành phố Hà Nội và các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan.
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, cùng đại biểu các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc, nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia và đồng thời là 5 trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung trao đổi, thảo luận vào các nhóm vấn đề và tham vấn giúp thành phố ban hành những chính sách phát triển khoa học, công nghệ mang tính đột phá cho Thủ đô với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, ngày càng thể hiện là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước thể hiện qua quy mô tiềm lực khoa học và công nghệ, cường độ đầu tư, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ.
Các Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ đã triển khai, mang lại hiệu quả tốt.
Cụ thể, về kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong 5 năm gần đây (2015-2019) tổng số công bố khoa học quốc tế của Hà Nội dẫn đầu cả nước với 15.646 công bố.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã triển khai 346 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố (trong đó 212 nhiệm vụ khoa học tự nhiên và công nghệ, 84 nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn, 50 dự án sản xuất thử nghiệm) với tổng kinh phí là 633.092 triệu đồng.
100% dự án sản xuất thử nghiệm và trên 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn. Kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trên nhiều lĩnh vực.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Hà Nội kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ một số vấn đề quan trọng như: hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của thành phố Hà Nội đồng bộ với Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030; hỗ trợ tư vấn mô hình tổ chức, vận hành Sàn giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội; hỗ trợ thành phố trong việc liên kết mạng lưới tổ chức chuyển giao công nghệ, các tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ; hỗ trợ thành phố xây dựng, triển khai "Mạng lưới sáng kiến" Hà Nội; hỗ trợ Hà Nội xây dựng Đề án Vườn ươm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đồng quan điểm cho rằng, thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Hà Nội đã có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn, theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhận định "Với tiềm năng, hội tụ nguồn lực, sức sáng tạo, năng lực, ý chí vươn lên của người Hà Nội chắc chắn trong thời gian tới, diện mạo phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thủ đô sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa."
Để Hà Nội thực sự là trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước, các đại biểu cho rằng, thời gian tới doanh nghiệp sẽ là chủ đầu tư lớn nhất với đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, vì vậy cùng với bộ, ngành trung ương, Hà Nội cần có các cơ chế để khơi thông nguồn đầu tư này.
Đặc biệt, so với các tỉnh, thành, Hà Nội có nguồn tài nguyên lịch sử, văn hóa, truyền thống rất lớn. Do vậy Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong chiến lược phát triển dài hạn cần lưu ý đến vấn đề này để khai thác, phát huy hiệu quả.
Đáng chú ý, nêu quan điểm cho rằng, khoa học và công nghệ Thủ đô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đề nghị, Hà Nội cần tập trung đổi mới các chương trình nghiên cứu khoa học, từ cơ chế, chính sách tài chính đến các thủ tục thông thoáng; tập trung vào các chương trình nghiên cứu phục vụ phát triển sản phẩm trọng điểm; lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng chính sách nghiên cứu, khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ, kết nối giữa cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng khẳng định ngành khoa học và công nghệ sẽ cùng các ngành, chung sức cùng Hà Nội hoạch định các chính sách phát triển dài hạn hơn, thông qua đó thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ mạnh hơn trong những năm tới và khoa học và công nghệ là động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định khoa học và công nghệ là khâu đột phá, nên trong phương châm Đại hội Đảng bộ thành phố cũng nhấn mạnh đến yếu tố "sáng tạo," đây là cơ hội cũng như ý nghĩa để tạo diện mạo mới cho khoa học và công nghệ Thủ đô và cả nước.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Thành phố cũng đặt mục tiêu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ.
Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2025, đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo chiếm 70% tổng đầu tư của thành phố và không thấp hơn 1% GRDP của Thủ đô...
Để thực hiện được các mục tiêu này, Bí thư Thành ủy mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng thành phố Hà Nội phối hợp hiệu quả trên các lĩnh vực, phấn đấu là một trong những hình mẫu về hợp tác giữa địa phương với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hợp tác xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ của Hà Nội, kết nối với toàn quốc.
Xây dựng vườn ươm công nghệ, công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hai bên cũng cần phối hợp trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng thị trường, hệ sinh thái khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: "Thành phố cam kết cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các bộ liên quan trong việc hoàn thiện cở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn về khoa học và công nghệ để tạo bước phát triển đột phá cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, góp phần xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc theo Quy hoạch của Chính phủ, với quy mô 600 nghìn dân."
Toàn bộ nội dung của buổi làm việc sẽ được cụ thể hóa trong Thông báo Kết luận của Bí thư Thành ủy với Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác để triển khai, định kỳ có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, qua đó góp phần giúp Hà Nội phát triển nhanh và bền vững, sau thời kỳ hậu COVID-19./.