Hà Nội tuyển sinh lớp 10: Học sinh sẽ phải luyện thi 9 môn?

Thông tin Hà Nội sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10, từ thi tuyển 2 môn Văn và Toán kết hợp xét tuyển sang thi tuyển hoàn toàn với 6 môn thi đang khiến nhiều học sinh, phụ huynh hoang mang.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Thông tin Hà Nội sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10, từ thi tuyển 2 môn Văn và Toán kết hợp xét tuyển sang thi tuyển hoàn toàn với 6 môn thi đang khiến nhiều học sinh và phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Quá áp lực

Từ năm học 2019-2020, học sinh dự tuyển vào lớp 10 của Hà Nội sẽ phải làm ba bài thi, gồm hai bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, và một bài thi tổ hợp.

Có hai bài thi tổ hợp. Tổ hợp 1 gồm các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân. Tổ hợp 2 gồm các môn Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Việc thi bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố vào cuối tháng Ba hàng năm.

“Như vậy, thay vì chỉ phải thi hai môn Toán, Văn như hiện nay, con tôi sẽ phải thi đến 6 môn. Thậm chí, con sẽ phải căng sức ra học, ôn đến 9 môn suốt năm học vì đên tận cuối tháng Ba Sở mới chốt thi tổ hợp nào,” chị Hoàng Hồng Hạnh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

Cũng theo chị Hạnh, đây không chỉ là lo lắng của bản thân chị mà của rất nhiều phụ huynh có con đang học bậc trung học cơ sở, nhất là những phụ huynh có con đang học lớp 8 – lứa học sinh đầu tiên thi theo cách mới, như chị.

[Hà Nội mở thêm 327 phòng học đón lứa 'dê vàng' vào lớp 10]

Theo chị Hạnh, nếu các tổ hợp thuộc một lĩnh vực là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội và cho học sinh được tự chọn như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thì sẽ thuận lợi hơn cho học sinh. Nếu Sở công bố bài thi tổ hợp ngay từ đầu năm thì học sinh sẽ chủ động hơn, ôn tập có trọng tâm hơn. “Phải chuẩn bị thi cử cho 9 môn là quá nhiều và áp lực,” chị Hạnh nói.

Đây cũng là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thủy (Long Biên, Hà Nội). Chị Thủy cho biết, con trai chị đang học Trường Trung học cơ sở Ngọc Thụy và chủ đề của gia đình những ngày này chỉ xoay quanh việc đổi mới thi.

“Cháu rất lo lắng vì sẽ phải thi vào lớp 10 với rất nhiều môn. Còn tôi và gia đình thì thấy thương con nhiều hơn. Với áp lực học-thi lớn như vậy, chắc chắn con sẽ chỉ tập trung vào học kiến thức sách vở trên trường và ở các lớp học thêm mà không còn thời gian để trải nghiệm, học hỏi những điều khác cũng rất cần thiết cho cuộc sống của con như học nấu ăn, kỹ năng sống, hoặc đơn giản là theo đuổi môn nghệ thuật con đam mê. Nếu có thay đổi, tôi cho rằng chỉ nên thi ba môn là Toán, Văn và Ngoại ngữ,” chị Thúy chia sẻ.

(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Đề thi sẽ theo hướng giảm tải?

Trước những băn khoăn lo lắng của phụ huynh, học sinh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã lường trước những điều này và có tính toán để giảm tải cho học sinh ngay trong chính định hướng ra đề thi.

“Đề thi sẽ chỉ yêu cầu học sinh học chăm chỉ những bài học trong chương trình, sách giáo khoa trung học cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9 hiện hành, là có thể làm bài tốt mà không cần phải đi học thêm,” ông Dũng nói.

Đưa dẫn chứng từ chính kỳ thi tuyển sinh đại học, những thay đổi trong đề thi đã làm cho việc ôn luyện ở các trung tâm không hiệu quả, hàng loạt các lò luyện thi đã phải đóng cửa, ông Dũng cho biết đề thi của Hà Nội cũng sẽ triển khai theo hướng này.

[Thay đổi thi vào lớp 10: Hà Nội đã phát 700 phiếu “trưng cầu dân ý”]

“Đề thi sẽ không có phần câu hỏi quá khó, mang tính đánh đố học sinh, mục tiêu là để giảm áp lực dạy thêm, học thêm đối với người học”, ông Dũng khẳng định.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cũng nhấn mạnh việc toàn bộ nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình trung học cơ sở, không có yêu cầu mới về kiến thức. Bài thi tổ hợp nhưng có phần câu hỏi riêng của từng môn.

Lý giải về việc các tổ hợp xen cả môn tự nhiên, xã hội và công bố chọn tổ hợp vào cuối tháng Ba, ông Quang cho biết chương trình giáo dục bậc trung học cơ sở là giáo dục cơ bản. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng có mục đích đánh giá việc học ở bậc trung học cơ sở nên cũng cần thi toàn diện.

“Thi nhiều môn nhưng chúng tôi đảm bảo học sinh được đánh giá đúng trình độ theo những gì các em được học trong nhà trường. Mục đích của kỳ thi nhằm giúp học sinh học toàn diện hơn chứ không chỉ học lệch, học tủ, chăm chú vào một vài môn như hiện nay,” ông Quang nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục