Hà Nội: 'Vùng cam' dừng bán hàng ăn tại chỗ, học sinh học trực tuyến

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, 8 quận có cấp độ dịch mức độ 3 (màu cam) gồm Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ.
Hà Nội: 'Vùng cam' dừng bán hàng ăn tại chỗ, học sinh học trực tuyến ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngay sau khi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có Thông báo số 851/TB-UBND ngày 24/12/2021 đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19, các quận có mức độ dịch cấp độ 3 (tương ứng với màu cam) đã có văn bản điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo văn bản mới nhất của Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, từ 12 giờ ngày 26/12, trên địa bàn quận Tây Hồ không tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.

Quận quyết định dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày. Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú được phép hoạt động không quá 50% công suất; tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, có nguy cơ lây nhiễm cao...

[Ngày 25/12: Hà Nội thêm 1.879 ca mắc COVID, có 549 ca cộng đồng]

Cũng trong ngày 25/12, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình quyết định từ 12 giờ ngày 27/12, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện bán hàng mang về và dừng hoạt động sau 21 giờ hằng ngày.

Các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà và ngoài trời hoạt động theo quy định ở mức hạn chế, đảm bảo giãn cách, chỉ tập trung dưới 20 người trong cùng một thời điểm.

Quận Ba Đình cũng khuyến khích các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự chuyển hình thức hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến. Các khách sạn, cơ sở lưu trú đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; hoạt động không quá 50% công suất...

Việc các quận, huyện, thị xã điều chỉnh các biện pháp hành chính phù hợp để phòng, chống dịch được thực hiện theo Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 17/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội.

Trước đó, 2 quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và 25 phường “màu cam” đã siết lại các biện pháp, cấm tụ tập đông người, cấm bán hàng ăn uống tại chỗ cùng một số hoạt động khác.

Đối với việc học sinh đi học, theo Công văn số 4322/UBND-KGVX ngày 2/12/2021 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và công văn số 4156/SGDĐT-CTTT của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, các nhà trường trên địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3 sẽ cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tạm dừng đến trường, chuyển học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Như vậy, với thông báo mới nhất của thành phố, học sinh của 67 xã, phường sẽ phải dừng học trực tiếp để phòng, chống dịch.

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, 8 quận có cấp độ dịch mức độ 3 (màu cam) gồm Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ.

Các xã, phường có cấp độ dịch mức độ 3 gồm Quán Thánh, Đội Cấn, Cống Vị, Trúc Bạch, Phúc Xá, Kim Mã, Liễu Giai, Thành Công, Giảng Võ (quận Ba Đình); Văn Miếu, Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Khương Thượng, Kim Liên, Ô Chợ Dừa, Hàng Bột, Phương Liên, Quang Trung, Thổ Quan (quận Đống Đa); Đa Tốn (huyện Gia Lâm); Yên Nghĩa, Dương Nội, Biên Giang (quận Hà Đông); Đông Mác, Phố Huế, Vĩnh Tuy, Cầu Dền, Thanh Lương, Phạm Đình Hổ, Trương Định, Thanh Nhàn, Bạch Đằng, Lê Đại Hành, Minh Khai, Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng); Hàng Đào, Cửa Đông, Cửa Nam, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); Thanh Trì, Tân Mai, Tương Mai, Lĩnh Nam, Trần Phú, Vĩnh Hưng, Mai Động, Yên Sở, Đại Kim, Thịnh Liệt, Giáp Bát, Định Công (quận Hoàng Mai); Ngọc Lâm, Gia Thụy, Phúc Đồng (quận Long Biên); Tây Mỗ, Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); Quảng An, Thụy Khuê, Xuân La, Yên Phụ, Bưởi (quận Tây Hồ); Đại Áng, Tứ Hiệp, Tân Triều (huyện Thanh Trì); Văn Bình (huyện Thường Tín) và Sơn Công (huyện Ứng Hòa)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.