Hà Nội xuất hiện những "siêu đô thị thu nhỏ" sau 10 năm mở rộng

Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một thành phố hội nhập năng động với sự xuất hiện ngày càng nhiều tổ hợp đô thị hiện đại mang dáng dấp như những "siêu đô thị thu nhỏ."
Những khu nhà tại quận Hà Đông. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Với cột mốc được xác lập ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu người.

Gần một thập kỷ sau khi mở rộng địa giới hành chính, cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, những nhu cầu mới về nhà ở đô thị đã phát sinh.

Nhờ lợi thế diện tích lớn, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một thành phố hội nhập năng động với sự xuất hiện ngày càng nhiều tổ hợp đô thị hiện đại mang dáng dấp như những "siêu đô thị thu nhỏ."

Nỗ lực thay đổi hình ảnh

Năm 2008, năm sáp nhập địa giới cũng là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo hoàn thành thắng lợi và phấn đấu về đích trước các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010, đồng thời còn là năm tập trung nguồn lực triển khai Chương trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Những ngày đầu sáp nhập, Hà Nội (mới) đứng trước hàng loạt những sự khởi đầu đầy khó khăn để đảm bảo hiệu quả quản lý cũng như khả năng tạo sức hút cho các hoạt động đầu tư, phát triển đô thị. Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, mới có quy hoạch theo địa giới hành chính cũ chưa mở rộng.

Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chưa đồng bộ, đặc biệt chưa phù hợp với tình hình mới sau khi mở rộng. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng còn hạn chế, dàn trải, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc triển khai xã hội hóa thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng chưa thu hút được nhà đầu tư.

Cùng với đó, chất lượng dịch vụ đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý của các ngành, các cấp, trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong quản lý xây dựng và ý thức của các tổ chức, nhân dân chưa cao. Một số công trình trọng điểm triển khai còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ. Trong khi đó, nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, xây dựng quỹ nhà tái định cư còn gặp nhiều khó khăn...

[Hà Nội kỷ niệm 10 năm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính]

Theo nhận định của giới chuyên gia quy hoạch-xây dựng thời điểm đó, bên cạnh những cơ hội rộng mở, việc mở rộng địa giới Thủ đô đặt lên vai chính quyền thành phố những gánh nặng ngàn cân trên chặng đường vươn đến một Hà Nội hiện đại, một Thủ đô tầm cỡ khu vực và thế giới.

Trước tình hình đó, với quyết tâm cao độ, cách làm đồng bộ, tuần tự và khoa học, Hà Nội đã “đi từng bước” với phương châm “xây khuôn khổ, tạo không gian” để “bít dần kẽ hở”; đồng thời tạo một tầm nhìn mới cho một Thủ đô hiện đại trong tương lai.

Với tinh thần đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định phê duyệt hàng loạt kế hoạch để triển khai theo từng giai đoạn mà quan trọng nhất là giai đoạn khởi đầu. Đó là những bản kế hoạch về chỉnh trang đô thị; phát triển hạ tầng cấp nước, thoát nước; phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng; xử lý nước thải; phát triển hệ thống công viên, cây xanh, hồ nước và cả kế hoạch phát triển hệ thống nghĩa trang tập trung…

Vươn tầm sánh vai khu vực và thế giới

Việc triển khai những kế hoạch mang tính “đổ móng, xây tường” này đã đem lại cho Thủ đô những chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng đô thị Hà Nội sau 10 năm đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông bắt đầu được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng được quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Các công trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị cơ bản nằm trong kế hoạch 5 năm (2016-2020) đã được triển khai xây dựng theo thứ tự ưu tiên, tính cấp thiết và đạt nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng sống, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.

Đáng chú ý, việc quản lý của các cấp, các ngành, trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, môi trường có nhiều chuyển biến đáng kể; nhất là ý thức của nhân dân và các tổ chức được nâng lên.

Hơn một thập kỷ trước, người dân Hà Nội khó có thể hình dung bộ mặt đô thị của Thủ đô lại có sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ đến như vậy. Diện mạo của một Thủ đô hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới đang dần được định hình.

Sau 10 năm, hàng loạt dự án giao thông lớn được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt trên cao Hà Nội…

Hàng loạt trục đường chính được cải tạo, mở rộng và hoàn thiện như trục đường kết nối tuyến Nguyễn Trãi qua Lương Thế Vinh, đường Trung Văn kết nối Mễ Trì-Mỹ Đình, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông hay trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, cùng xe buýt nhanh BRT đi vào hoạt động...

Quận Cầu Giấy với những tòa nhà, căn hộ cao cấp hiện đại lung linh trong đêm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Không dừng lại ở hạ tầng giao thông, khu vực Tây Hà Nội cũng đang đón nhiều điểm đến thương mại-văn hóa-xã hội như: Trung tâm mua sắm Aeon Mall Hà Đông, Thiên đường Bảo Sơn, Lăng Ngô Quyền, Làng cổ Đường Lâm, Khu du lịch Khoang Xanh, Ao Vua... và đặc biệt là Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Hạ tầng nông thôn cũng được cải thiện. Đường bêtông chạy tới những xã nghèo nhất ở cực Tây thành phố, nơi sinh sống của đồng bào Mường trước thuộc tỉnh Hòa Bình. Hạ tầng y tế và trường học được đầu tư đồng đều theo mặt bằng Thủ đô. Đời sống người dân nhiều nơi được cải thiện.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy những con số cực lớn đang kéo gần tương lai Thủ đô sẽ trở thành một đại đô thị trải dài từ tả ngạn sông Hồng đến cận vùng trung du phía Bắc. Đã có hơn 700 dự án bất động sản được đầu tư, hàng trăm nghìn hecta đất được thu hồi; đồng thời cũng tạo ra "cơn sốt đất" ở nhiều nơi.

Một làn sóng đầu tư bất động sản lớn chưa từng có về các vùng Hà Nội mở rộng được kích hoạt. Thành phố đang đặt mục tiêu phát triển nhà ở đến 2020 đạt 20.418.000 m2 sàn nhà ở thương mại; 6.220.861 m2 sàn nhà ở xã hội.

Cách trung tâm Hà Nội chừng nửa giờ chạy xe, ở những vùng đất ven đô (đặc biệt là phía Tây) vốn một thời hoang vắng giờ đã hiện lên khá nhiều khu đô thị hiện đại làm thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo lập môi trường đô thị với điều kiện sống văn minh như: Vinhomes Riverside, Park City, Gamuda City, Ecopark, Ciputra, The Manor, The Golden An Khánh...

Sự ra đời của những tổ hợp đô thị mới này không chỉ giúp Hà Nội giảm tải mật độ dân cư ở nội thành, mà còn tạo nên những không gian sống tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân, nhất là lớp trẻ.

Theo tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, 10 năm mở rộng, Hà Nội có nhiều điểm khác biệt đáng lưu ý về cấu trúc đô thị. Trước đây, cấu trúc chỉ là một đô thị trung tâm, nay là chùm đô thị với một đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Bên cạnh đó, Hà Nội đã có sự xen kẽ giữa hành lang xanh giữa đô thị và vùng nông thôn.

Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng nhấn mạnh, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại là trách nhiệm của cả nước, mà trước hết là vinh dự và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.

Với những thành tựu to lớn đạt được những năm qua, nhất là trong 10 năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, chắc chắn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục nhất trí, đồng lòng, chung tay vì mục tiêu một Thủ đô hiện đại, văn minh, xứng tầm khu vực và quốc tế trong tương lai không xa./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục