Hà Tĩnh cho Formosa thuê đất 70 năm "không đúng quy định pháp luật"

Nhiều vấn đề "nóng" về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Thanh tra Chính phủ thông tin trong cuộc họp báo quý II năm 2016 diễn ra vào ngày 22/7, tại Hà Nội.
Cất bốc chất thải của Công ty Formosa lên ôtô để chuyển về tạm giữ tại kho của Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Nhiều vấn đề "nóng" về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Thanh tra Chính phủ thông tin trong cuộc họp báo quý II năm 2016 diễn ra vào ngày 22/7, tại Hà Nội.

Chưa nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến dự án Formosa

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo Hà Tĩnh trong việc cấp phép cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa thuê đất trong 70 năm.

Về vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết từ năm 2014, 2015, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và kết luận thanh tra về công tác chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có dự án Formosa.

Kết luận thanh tra thời điểm đó đã chỉ rõ, việc Hà Tĩnh phê duyệt cho Formosa thuê đất thời hạn 70 năm là không đúng các quy định pháp luật. Theo quy định pháp luật trước năm 2014, cấp tỉnh chỉ được cấp phép cho thuê đất trong 50 năm nhưng tỉnh Hà Tĩnh đã cho Formosa thuê 70 năm.

Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời gian hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không được quá 70 năm. Tuy nhiên, dự án Formosa thời điểm đó chưa có sự đồng ý của Thủ tướng.

"Nếu xem xét theo Luật đầu tư năm 2014, những trường hợp như của Formosa được phép cấp đến 70 năm. Nhưng thời điểm năm 2012, Hà Tĩnh cấp phép như vậy là trái thẩm quyền," ông Khánh khẳng định.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm, kết luận thanh tra đã kiến nghị xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên, đến nay việc kiểm điểm trách nhiệm của các lãnh đạo Hà Tĩnh chưa được nghiêm túc.​

Hiện Thanh tra Chính phủ cùng một số cơ quan liên quan được Chính phủ giao làm rõ một số việc cụ thể liên quan đến hoạt động của Formosa để đưa ra giải pháp, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) có sai phạm trong thi công một số dự án

Trả lời báo chí về công tác thanh tra về hoạt động kinh doanh tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Ngô Văn Khánh cho biết Thanh tra Chính phủ đã từng có cuộc thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó có kết luận một số sai phạm của công ty con của đơn vị này là Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Thanh tra Chính phủ đã thanh tra những sai phạm trong một số dự án lớn như Nhà máy nhiên liệu Xăng sinh học ở Phú Thọ, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng… Bước đầu có thể đánh giá PVC có sai phạm trong thi công các dự án này.

Ông Khánh nêu rõ PVC có tư cách là nhà thầu thi công. Bước đầu, dự thảo kết luận thanh tra đánh giá đơn vị này có những khuyết điểm vi phạm và sẽ kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đảm bảo an ninh trật tự ở các trụ sở Tiếp công dân

Về tình hình an ninh trật tự ở các trụ sở Tiếp công dân trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong quý II năm 2016, tại trụ sở Tiếp công dân Trung ương liên tiếp xảy ra sự việc mất an ninh trật tự, đặc biệt có trường hợp một cán bộ tiếp dân bị chém trọng thương.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Điệp cho rằng việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở các địa phương còn nhiều hạn chế, công tác tuyên truyền vận động chưa tốt dẫn đến người dân khiếu nại vượt cấp, gây áp lực lớn cho các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Trung ương.

Đồng thời, một số đối tượng xấu lợi dụng tình hình đó đã có những hành vi kích động, trái pháp luật ở các trụ sở tiếp dân.

Ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết thêm, hiện Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị với Chính phủ và đề xuất Bộ Công an đưa các trụ sở tiếp dân vào danh sách mục tiêu bảo vệ an ninh.

Đồng thời, trong thời gian tới sẽ có hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá, khuyến nghị nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Xử lý người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Tại buổi họp báo, ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) cho biết trong quý II năm 2016, toàn ngành đã đã triển khai gần 2.000 cuộc thanh tra hành chính và gần 85.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm hơn 8.000 tỷ đồng, 860 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 7.000 tỷ đồng và hơn 500 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với hơn 200 tập thể; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 19 vụ, 31 đối tượng.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, trong quý II năm 2016, có 4 trường hợp người đứng đầu ở Quảng Ngãi và Tây Ninh bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 2 người, xử lý hình sự 2 người.

Về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kết quả kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng chống tham những đều được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra 782 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 19 đơn vị vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục