Đúng như dự báo của các chuyên gia và dư luận, ngày 11/9, Hạ viện do phe Cộng hòa chiếm đa số áp đảo đã thông qua nghị quyết bác bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký với Iran ngày 14/7 vừa qua.
Bất chấp việc Hạ viện bác bỏ, Tổng thống Barack Obama vẫn ghi được chiến tích ngoại giao được nhìn nhận là “lớn nhất” trong gần 7 năm cầm quyền trong bối cảnh chính trường Mỹ chia rẽ đảng phái sâu sắc hơn bao giờ hết, vì trước đó, các nhà lập pháp của đảng Dân chủ tại Thượng viện đã ngăn chặn thành công nghị quyết bác bỏ của đảng Cộng hòa.
Với 162 phiếu thuận so với 269 phiếu chống, Hạ viện Mỹ chiều 11/9 đã bác bỏ thỏa thuận theo đó Iran tự kiềm chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và các quốc gia phương Tây bãi bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế, tài chính.
Duy nhất có một Hạ nghị sỹ của đảng Cộng hòa, ông Thomas Massie bỏ phiếu trắng trong khi toàn bộ các nhà lập pháp khác của đảng này bỏ phiếu bác bỏ. Có tới 25 nghị sỹ của đảng Dân chủ quay lưng lại với Nhà Trắng, cùng các đồng nghiệp đảng Cộng hòa bỏ phiếu không ủng hộ thỏa thuận.
Ngay sau kết quả bỏ phiếu này, Hạ viện với 247 phiếu thuận và 186 phiếu chống cũng đã thông qua nghị quyết ngăn chặn Tổng thống Obama bãi bỏ hoặc cắt giảm các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran cho tới tận ngày 21/1/2017, thời điểm ông Obama kết thúc nhiệm kỳ hai và rời nhiệm sở.
Bất chấp các kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện, với việc ngày 10/9, phe Dân chủ tại Thượng viện ngăn chặn thành công nỗ lực chống phá tương tự của đảng Cộng hòa, Tổng thống Obama không cần phải dùng quyền phủ quyết của người đứng đầu cơ quan hành pháp để đưa thỏa thuận hạt nhân với Iran vào thực hiện.
Đây được coi là một thắng lợi đối ngoại hiếm hoi của ông Obama trước một cơ quan lập pháp do phe Cộng hòa nắm quyền lãnh đạo. Tuy bị thất bại, nhưng các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại cả hai viện như Thượng nghị sỹ Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện John Boehner khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm mọi công cụ có thể để ngăn chặn và trì hoãn việc thực thi thỏa thuận hạt nhân với Iran./.