Hai góc nhìn về hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3

Hãng tin AP có bài phân tích về quan điểm và dư luận tại hai miền Nam-Bắc bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hai góc nhìn về hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) ký vào văn kiện thống nhất ra tuyên bố chung. (Nguồn: KBS)

Theo hãng AP, hãng tin AP mới đây vừa có bài phân tích về quan điểm và dư luận tại hai miền Nam-Bắc bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Từ Bình Nhưỡng…

Trong năm nay, người dân Triều Tiên liên tục được chứng kiến những hình ảnh đáng kinh ngạc. Từ các bức ảnh chụp giới chức cấp cao tới Hàn Quốc để gặp gỡ những người đồng cấp tại Thế vận hội mùa đông, cho tới hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un niềm nở ôm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại biên giới phía nam Khu phi quân sự (DMZ).

Và rồi không lâu sau đó là hình ảnh Kim Jong-un xuất hiện tại Singapore để gặp gỡ nhà lãnh đạo của nước Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, những hình ảnh đầu tiên về chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thủ đô Bình Nhưỡng, cũng như những gì được truyền hình cho cả thế giới biết lại nói lên nhiều hơn thế.

Những tuyên bố chính thức của Triều Tiên vẫn chủ yếu xoay quanh niềm tự hào dân tộc, chủ đề thống nhất, và cách mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mở đường cho một giải pháp “do Triều Tiên dẫn đầu” nhằm tháo gỡ khúc mắc đã tồn tại nhiều thập kỷ là làm làm thế nào để đem tới hòa bình cho bán đảo này.

Trong đoạn phim đã được biên tập kéo dài 30 phút về hai ngày đầu tiên Tổng thống Moon Jae-in trở thành vị khách đặc biệt của Kim Jong-un, không hề có bất kỳ câu từ hay hình ảnh nào đề cập tới Mỹ, tới phi hạt nhân hóa, hay Donald Trump.

Chỉ có một bài bình luận được đăng trên tờ báo của Đảng Lao động Triều Tiên trong ngày 18/9 - ngày Moon Jae-in đặt chân tới Bình Nhưỡng - là lên án thái độ “cứng đầu” và “như kẻ cướp” của Mỹ khi đưa ra yêu cầu buộc Triều Tiên đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân là nguyên nhân duy nhất dẫn tới sự đổ vỡ của các cuộc gặp Mỹ-Triều.

Tại Triều Tiên, diễn biến từng ngày của các cuộc đàm phán với Washington không phải là những gì mà người dân quan tâm. Hoặc ít nhất, đó cũng không phải là những gì mà họ cho là nên lo lắng. Cho dù những gì diễn ra giữa Kim Jong-un và Trump, hay giữa Kim Jong-un và người nào đó kế nhiệm Trump, thì thực tế việc thời gian một nhà lãnh đạo Triều Tiên cầm quyền lâu hơn Tổng thống Mỹ cũng đã đủ được xem là một chiến thắng.

Diễn ra ngay sau ngày Quốc khánh lần thứ 70 của Triều Tiên, chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc được nhìn nhận là một hành động thể hiện sự tôn trọng. Những hình ảnh đầu tiên khi Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng được phát trên màn hình tivi đã cực kỳ thu hút người dân nơi đây.

Thông điệp ngầm mà bộ máy tuyên truyền nhà nước Triều Tiên đưa ra rất rõ ràng: Chính sự khôn khéo của Kim Jong-un đã mở ra một tương lai tươi sáng và chính sự can thiệp cố chấp của những kẻ thực dân và phản động là thách thức trên con đường này.

Đối với phần lớn người dân Triều Tiên, đó rõ ràng là một suy nghĩ dễ chịu và đầy khích lệ. Tuy nhiên, những thông điệp ngày lại là thứ quá đỗi quen thuộc.

Tất nhiên, Triều Tiên không dễ phớt lờ những vấn đề cấp bách và quan trọng đằng sau đó. Đối lập với thông điệp tràn đầy lạc quan được truyền bá khắp dư luận, cũng có những cảm giác về bầu không khí căng thẳng tại Bình Nhưỡng những ngày này.

An ninh được siết chặt, trước cả khi Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng, trong khi giới chức hạn chế báo chí nước ngoài tiếp xúc với người dân trên đường phố và khuyến cáo các nhà ngoại giao nước ngoài di chuyển ra khỏi thủ đô.

Giới lãnh đạo Triều Tiên nhận thức rõ được những rủi ro và hiểu rằng đổ vỡ trong đàm phán với Washington sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.

[Thượng đỉnh liên Triều 2018 lần 3: Những điểm nhấn quan trọng]

Dù không phải là thông điệp tuyên truyền với dư luận trong nước, song cuộc gặp giữa Kim Jong-un và Moon Jae-in có thể dễ dàng được xem là một lời nhắc quan trọng gửi đến Tổng thống Trump, một dấu ấn khẳng định sự đồng điệu với những gì Triều Tiên đã đề xuất từ sau thượng đỉnh tại Singapore.

… tới Seoul

Tuyên bố về cuộc gặp quan trọng giữa nhà lãnh đạo hai miền Nam-Bắc liệu là bước tiến lớn hướng tới hòa bình bền lâu trên bán đảo Triều Tiên? Sự kiện này có thể đem đến một giải Nobel Hòa bình cho Kim Jong-un và Moon Jae-in hay không?

Đó chỉ là tín hiệu cho thấy sự thất bại của chiến dịch gây áp lực từng rất mạnh mẽ do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Triều Tiên khi nó bị lu mờ hoàn toàn trước những sự lạc quan giả dối trong quan hệ liên Triều, hay đó lại chỉ là một hứa hẹn suông của chế độ Triều Tiên như mọi lần?

Cách người ta nhìn nhận cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo này, cũng như việc Kim Jong-un hứa sẽ sớm tới Seoul, có thể phụ thuộc vào quan điểm chính trị và cả môi trường sống của cá nhân đó.

Dư luận Seoul phần lớn thở phào, song cũng có những người lo ngại rằng đó có thể là một sai lầm của chính quyền.

Về mặt chính trị, dư luận Hàn Quốc có những sự chia rẽ nhất định, giữa một bên là những người bảo thủ thù ghét Triều Tiên với một bên là những người tự do muốn xích lại gần nước láng giềng phương Bắc. Tuy nhiên, đối với Tổng thống Moon Jae-in, đây cũng có thể được xem như một chiến thắng về ngoại giao và chính trị ở trong nước.

Xét cho cùng, hầu hết những gì mà Moon Jae-in và Kim Jong-un nhất trí trong cuộc gặp ngày 19/9 - như bắt đầu giải giáp vùng biên giới, dỡ bỏ mìn dưới mặt đất, thiết lập các vùng đệm để tránh xung đột và Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử tên lửa dưới sự giám sát của các thanh sát viên bên ngoài - đều có thể là yếu tố giúp đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân Hàn Quốc.

Dù vẫn còn nhiều lo ngại về chiến tranh hạt nhân, song phần lớn nỗi lo của người Hàn Quốc lại là về những vụ chạm trán dọc liên giới có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát và khiến Chiến tranh Triều Tiên tái diễn.

Người Hàn Quốc vốn nổi tiếng về khả năng kiềm chế và trấn tĩnh trước sự thù hằn của Triều Tiên. Nhiều người Hàn Quốc sẽ theo sát các diễn biến để xem xem liệu tuyên bố xóa bỏ “mọi đe dọa” chiến tranh mà Tổng thống Moon Jae-in đưa ra có thực sự đúng hay không, bởi lịch sử bán đảo này vốn chứng kiến rất nhiều tuyên bố đầy hy vọng bị nhấn chìm bởi sự thù hằn.

Tuy nhiên, nếu Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể hiện thực hóa những gì họ nhất trí tại cuộc gặp vừa qua, “lạc quan” - điều hiếm khi người ta dùng để miêu tả về quan hệ liên Triều - có thể sẽ thực sự xuất hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.