Hai miền Triều Tiên được phép khôi phục đường dây liên lạc quân sự

Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc đã đồng ý đề nghị của Hàn Quốc về việc khôi phục các đường dây liên lạc quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Hai miền Triều Tiên được phép khôi phục đường dây liên lạc quân sự ảnh 1 Binh sỹ thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc liên lạc với người đồng cấp Triều Tiên qua đường dây nóng quân sự hai miền. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc đã đồng ý đề nghị của Hàn Quốc về việc khôi phục các đường dây liên lạc quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Một quan chức ngoại giao Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 16/7 xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết ủy ban gồm 15 thành viên nói trên sẽ cho phép sử dụng các vật liệu và thiết bị đặc biệt, như đường dây cáp quang, xe buýt, xe tải, dầu lửa, dầu động cơ và chất lưu... cho việc khôi phục các đường dây liên lạc.

Hiện Triều Tiên đang phải chịu một loạt trừng phạt quốc tế liên quan đến các cuộc thử hạt nhân và tên lửa, vì vậy hoạt động xuất nhập khẩu của nước này bị hạn chế nghiêm ngặt. Mọi quyết định miễn trừ trừng phạt đều phải được ủy ban trên của Liên hợp quốc đồng ý dựa trên từng trường hợp cụ thể.

Tuần trước, Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc Cho Tae Yul đã gửi thư tới người đứng đầu ủy ban trên đề xuất khôi phục đường dây liên lạc quân sự với Triều Tiên, kèm theo danh sách gồm hơn 50 đầu sản phẩm.

[Hai miền Triều Tiên sẽ đàm phán quân sự về nối lại đường dây liên lạc]

Bức thư mô tả việc khôi phục đường dây nóng này là "một biện pháp tiếp theo" nhằm thực hiện Tuyên bố chung Panmunjom mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã thông qua tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4, trong đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí "tiến hành các biện pháp quân sự nhằm đảm bảo hợp tác song phương tích cực, cũng như các trao đổi, chuyến thăm và tiếp xúc, và tiến hành cuộc hội đàm quân sự."

Trước đó, trong cuộc đàm phán quân sự liên Triều ngày 14/6, hai miền đã nhất trí "khôi phục đầy đủ các đường dây liên lạc quân sự," nhằm "duy trì hòa bình và ổn định, đồng thời giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và xa hơn thế."

Trong khi đó, ủy ban của Liên hợp quốc cũng đang xem xét đề nghị của phía Mỹ, kêu gọi các thành viên Liên hợp quốc ngừng xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu cho Triều Tiên sau khi cáo buộc Bình Nhưỡng vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc về các sản phẩm lọc dầu thông qua việc chuyển trái phép từ tàu qua tàu. Ủy ban này sẽ đưa ra quyết định của mình vào ngày 19/7 tới.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã được cải thiện đáng kể trong vài tháng qua, với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên đã có các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, những dấu hiệu "tan băng" trong mối quan hệ căng thẳng giữa các bên vẫn chưa dẫn đến việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên vào thời điểm hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.