Hai miền Triều Tiên thảo luận về đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước

Hai bên sẽ thảo luận về vấn đề liên lạc vào ngày 7/4 tại phía Bắc của làng đình chiến Panmunjom nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra ngày 27/4.
Hai miền Triều Tiên thảo luận về đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước ảnh 1Một quan chức liên lạc của Hàn Quốc kiểm tra đường dây nóng liên Triều tại khu vực An ninh chung ở làng đình chiến Panmunjom ngày 3/1/2018. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Ngày 4/4, giới chức Seoul cho biết trong cuộc thảo luận cấp làm việc sắp tới, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ thảo luận về cách thức thiết lập đường dây nóng liên Triều tại văn phòng lãnh đạo hai nước.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hai bên sẽ thảo luận về vấn đề liên lạc vào ngày 7/4 tại phía Bắc của làng đình chiến Panmunjom nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra ngày 27/4.

Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Thống nhất Baik Tae-hyun nêu rõ quan chức hai bên sẽ thảo luận về mặt kỹ thuật của đường dây nóng nhằm giúp việc triển khai đường dây liên lạc kiểu này trở nên khả thi.

Việc thiết lập đường dây nóng tại văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một trong những nội dung của thỏa thuận liên Triều đạt được trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của phái đoàn cấp cao Hàn Quốc do Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Chung Eui-yong dẫn đầu vào tháng trước.

Tối 3/4, Triều Tiên đã đề xuất hai miền Triều Tiên tổ chức các cuộc đàm phán để thảo luận nghi thức ngoại giao, đảm bảo an ninh và tổ chức họp báo tại phía Nam làng đình chiến Panmunjom vào ngày 5/4 tới, thay vì ngày 4/4 như kế hoạch ban đầu.

[Triều Tiên đề nghị hoãn một ngày các cuộc gặp phía Hàn Quốc]

Trước đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận nước này sẽ cử một đoàn gồm bảy thành viên tham dự các cuộc thảo luận cấp làm việc với phía Triều Tiên, trong đó Thư ký tổng thống về lễ tân Cho Han-ki làm trưởng đoàn. Đây là cuộc làm việc cấp cao đầu tiên giữa hai miền được tiến hành tại làng đình chiến Panmunjom kể từ năm 2007.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc đã thông báo những nỗ lực về việc thực thi các lệnh trừng phạt theo nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên vào năm ngoái.

Trong báo cáo thực thi được trình lên ủy ban trừng phạt Liên hợp quốc gần đây và đăng tải trên trang chủ của cơ quan này, Trung Quốc khẳng định đã cấm xuất khẩu sắt, thép, các kim loại khác, máy móc công nghiệp và xe vận tải đến Triều Tiên.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hạn chế xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh luyện xuống mức tối đa 500.000 thùng/năm, cũng như không gia hạn giấy phép làm việc cho lao động Triều Tiên qua ngày 22/12/2019.

Cũng trong báo cáo này, Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết với giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và ủng hộ đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vốn bị đình trệ từ năm 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.