Hai nước Ấn Độ và Bangladesh ký thỏa thuận biên giới lịch sử

Ngày 6/6, Bangladesh và Ấn Độ đã ký thỏa thuận biên giới lịch sử, qua đó cho phép hàng chục nghìn người dân sinh sống hai bên biên giới được lựa chọn quốc tịch.
Hai nước Ấn Độ và Bangladesh ký thỏa thuận biên giới lịch sử ảnh 1(Nguồn: BBC)

Theo AFP, ngày 6/6, Bangladesh và Ấn Độ đã ký thỏa thuận biên giới lịch sử, qua đó cho phép hàng chục nghìn người dân sinh sống hai bên biên giới được lựa chọn quốc tịch sau nhiều thập kỷ chịu cảnh không có tư cách công dân.

Các ngoại trưởng của hai nước đã ký nghị định thư và trao đổi các công cụ phê chuẩn nhằm thực thi Hiệp định phân định biên giới trên bộ (LBA) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và người đồng cấp Bangladesh Sheikh Hasina.

Việc phê chuẩn LBA đã tháo gỡ được vấn đề gai góc trong quan hệ song phương, vốn luôn bất ổn kể từ sau cuộc chiến năm 1971 giúp Bangladesh tách khỏi Pakistan.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo này cũng chứng kiến quan chức hai bên ký một loạt các thỏa thuận trị giá cấp “2 tỷ USD tín dụng” cho phía Bangladesh trong nỗ lực nhằm làm sâu sắc mối quan hệ song phương.

Trước đó, sáng 6/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới Dhaka, bắt đầu chuyến thăm chính thức Bangladesh trong hai ngày.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Modi tới Dhaka kể từ khi ông này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5/2014.

Theo lịch trình, Thủ tướng Modi tiến hành hội đàm với người đồng cấp Sheikh Hasina về quan hệ song phương, trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Bangladesh có chung biên giới với 5 bang quan trọng của Ấn Độ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ vào Bangladesh trong năm 2014 đạt 68 triệu USD, tăng so với 45 triệu USD năm 2013, song vẫn thấp hơn FDI từ Anh, Nhật Bản và Pakistan vào nước này.

Hai nước dự kiến sẽ tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2018, nếu các rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật và các “nút thắt cổ chai” trong lĩnh vực hạ tầng được tháo gỡ.

Hai nước sẽ tăng cường kết nối, trong đó có kết nối giao thông bằng xe buýt, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và phát triển hạ tầng nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, đi lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.