Hải Phòng và Thái Bình chủ động ứng phó với cơn bão số 5

Hải Phòng, Thái Bình ra công điện kêu gọi tàu, thuyền ở khu vực nguy hiểm về nơi tránh, trú an toàn; thông báo cho chủ tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão.
Người dân chằng chéo, che chắn tàu thuyền tránh mưa, bão. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Cơn bão số 5 (bão Côn Sơn) được dự báo là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, có nhiều khả năng ảnh hưởng đến thành phố Hải Phòng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành và các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, rà soát, sẵn sàng thực hiện các phương án, kế hoạch ứng phó với cơn bão này.

Cụ thể, các địa phương, đơn vị chủ động thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Cùng với đó, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện và người trên các tàu thuyền vận tải, tàu đánh cá vãng lai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

[Bão số 5 gây mưa rất to tại Trung Bộ, các địa phương sẵn sàng ứng phó]

Các địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân trên các đảo và lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển và đất liền, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công, không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi bão đổ bộ; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng chống ngập úng, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, khu công nghiệp ven biển, bến cảng, kho tàng, bảo vệ sản xuất lúa và hoa màu để giảm thiểu thiệt hại.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố) thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến của bão, các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai kịp thời tham mưu cho thành phố các nội dung để ứng phó và khắc phục hậu quả của bão Côn Sơn.

Ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình tiếp tục ban hành Công điện khẩn số 11, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành của tỉnh thực hiện nghiêm công điện khẩn số 10 của Ban và kêu gọi tàu, thuyền ở khu vực nguy hiểm về nơi tránh, trú an toàn; thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão; tổ chức theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra...

Đối với Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu khẩn trương chỉ đạo đôn đốc, thực hiện việc cắt tỉa cành cây, chằng chống các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, ven biển; sẵn sàng phương án di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn.

Các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24 giờ theo dõi mực nước mở tối đa các cống dưới đê, cả các cống qua đê bối tiêu triệt để nước đệm trong hệ thống; kiểm tra hệ thống cống qua đê, trạm bơm, cống đập nội đồng, sẵn sàng kích hoạt các trạm bơm tiêu úng để bảo vệ sản xuất khi có mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu, các khu vực trũng, thấp...

Trước đó, tại Công điện khẩn số 10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành của tỉnh thực hiện đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước đệm trong hệ thống thủy lợi, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa, hoa màu, các khu vực trũng, thấp; kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu và các công trình đang thi công ở các tuyến đê biển, đê cửa sông, nếu phát hiện công trình không đảm bảo an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục