Hai thách thức hàng đầu của tân Tổng thống Indonesia

Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và tiếp tục cuộc chiến chống nghèo đói là hai thách thức hàng đầu cho chính phủ và tổng thống sắp tới của Indonesia.
Hai thách thức hàng đầu của tân Tổng thống Indonesia ảnh 1Một người già đi nhặt rác hàng ngày tại Indonesia. (Nguồn: Xinhua)

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng cách giàu nghèo ở đất nước Vạn Đảo đông dân thứ tư thế giới ngày một mở rộng đang đe dọa mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono trước khi mãn nhiệm sau hai nhiệm kỳ 5 năm cầm quyền.

Tình trạng này cũng đang kiềm chế sự tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia lớn nhất Đông Nam Á, khi tiêu dùng của một nửa số người nghèo nhất đã bị đình trệ trong năm 2013.

Một người đàn ông tên Tedi Kumaedi kiếm được khoảng 87 USD/tháng với việc bán càphê rong hàng ngày trên chiếc xe đạp cũ gần trụ sở Sàn giao dịch chứng khoán Jakarta, trong khi một chiếc xe đạp hiệu Lamborghini trong cửa hàng TechnoBike gần đó có giá bán tới 25.000 USD,

Với thu nhập ít ỏi như vậy, chi cho cuộc sống cá nhân còn khó khăn, chưa nói đến nuôi gia đình, nên mua đươc chiếc xe đạp mới đã là một ước mơ khó thực hiện với Tedi Kumaedi, huống hồ để có được một chiếc Lamborghini.

Chính vì vậy thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa những người lao động, như người đàn ông hàng ngày phải làm việc tới 14 tiếng này, với những người như khách hàng của TechnoBike, sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với ứng cử viên giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Indonesia, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 09/7/2014.

Chính sự bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng đã khiến Thống đốc Jakarta Joko Widodo, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Indonesia-Đấu tranh (PDI-P) giành được số phiếu cử tri cao nhất, khoảng 19% trong cuộc bầu cử lập pháp vừa diễn ra hôm 9/4.

Giáo sư Hal Hill thuộc Đại học Quốc gia Australia ở Canberra nhận xét rằng ông Joko Widodo mặc dù không đem lại cú hích như mong muốn cho PDI-P trong cuộc bầu cử lập pháp, vì tỷ lệ 19% đạt được thấp hơn rất nhiều so với con số dự kiến 27% của đảng này, và chưa đạt mức 25% như quy định của Luật bầu cử để có thể độc lập đề cử ứng viên ra tranh cử tổng thống, song vẫn có khả năng thắng cử tổng thống nhất do được coi là một nhà lãnh đạo của dân, nhất là tầng lớp nghèo và có thu nhập thấp.

Theo WB, hệ số Gini của Indonesia, một chỉ số về bất bình đẳng thu nhập, đã tăng từ 0,35 điểm năm 2005 (một năm sau khi ông Yudhoyono đắc cử tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên trong cuộc bầu cử năm 2004) lên 0,41 năm 2012 (hai năm trước khi ông Yudhoyono kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, mà theo quy định của Hiếp pháp, ông không được quyền tham gia tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ ba).

Liên Hợp quốc đã cảnh báo rằng hệ số Gini trên mức 0,4 là dấu hiệu báo động về tình trạng bất ổn xã hội, tương tự như ở Trung Quốc, có hệ số Gini 0,47 trong hai năm qua.

Báo cáo năm 2013 của WB cho biết Indonesia đang đối mặt với việc rơi vào tình trạng bẫy thu nhập trung bình khi chi tiêu của một nửa số người nghèo nhất ở Indonesia không những không tăng, thậm chí còn giảm trong giai đoạn 2012-2013, so với mức tăng 4% của toàn bộ dân số và mức tăng trung bình 7% của nhóm 20% những người giàu nhất.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) cho thấy số người dân Indonesia sống dưới mức chuẩn nghèo của chính phủ nước này đã tăng nửa triệu người trong 6 tháng tính đến tháng 9/2013, lên 28,55 triệu người, tương đương 11,5% tổng dân số.

Nhà kinh tế Enrico Tanuwidjaja thuộc công ty chứng khoán Nomura Holdings ở Singapore nhấn mạnh rằng đây chính là cảnh báo về nguy cơ Indonesia có thể sớm rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Cũng theo BPS, cuộc chiến chống nghèo đói của Indonesia tiếp tục là môt thách thức lớn của chính phủ và tổng thống sắp tới của nước này. Tỷ lệ lạm phát năm 2013 của Indonesia là 8,08%, mức cao nhất hàng năm trong 5 năm trở lại đây, và tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ 5,92 trong tháng 8/2013 lên 6,25% trong tháng 2/2014. Mục tiêu giảm tỷ lệ người nghèo của Tổng thống Yudhoyono, từ 14% xuống 8-10% trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai đã không đạt được.

Nhà kinh tế Matthew Wai- Poi thuộc văn phòng WB tại Indonesia nhận xét rằng nhịp độ giảm nghèo của đất nước Vạn Đảo đang chậm lại, và lợi ích của tăng trưởng kinh tế đã tập trung chủ yếu vào tầng lớp 20% số người giàu nhất. Sự suy giảm về tỷ lệ nghèo trong những năm gần đây có thể đã che lấp tình trạng gia tăng bất bình đẳng, bởi khoảng 1/3 dân số Indonesia được xếp loại "dễ bị tổn thương" thay vì "nghèo."

Theo WB, khoảng 16% dân số Indonesia sống dưới mức nghèo với 1,25 USD/ngày trong năm 2011, và 43% trăm sống dưới mức chuẩn nghèo mới của WB là 2 USD/ngày. Động thái này có thể làm lỡ cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng, vì bất bình đẳng càng cao thì nguy cơ dẫn đến xung đột xã hội càng lớn, nhất là giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Nhà kinh tế Aldian Taloputra thuộc công ty chứng khoán Mandiri Sekuritas ở Jakarta lưu ý tằng tổng thống kế nhiệm ông Yudhoyono trong nhiệm kỳ 2014-2019 sẽ phải kế thừa một nền kinh tế phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009 (giảm từ trên 6% trong các năm trước đó xuống 5,8% năm 2013), đồng nội tệ rupiah mất giá mạnh nhất so với đồng đôla Mỹ (giảm khoảng 20%) và có hiệu suất kém nhất ở Châu Á-Thái Bình dương trong năm 2013, giá nhiên liệu và năng lượng gia tăng cùng với chi phí nhập khẩu xăng dầu và các mặt hàng lương thực như đậu tương, lúa mì tăng mạnh.

Vì vậy, cải thiện bình đẳng thu nhập là một vấn đề rất quan trọng khi sự chênh lệch về thu nhập có thể làm cho nền kinh tế Indonesia nhạy cảm hơn với các cú sốc bên ngoài.

Một trong hai ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất hiện nay ở Indonesia, bên cạnh thống đốc Jakarta Joko Widodo là ông Prabowo Subianto, Chủ tịch đảng Phong trào Indonesia Vĩ đại (Gerindra) trong chiến dịch vận động tranh cử của mình đã cam kết sẽ xây dựng một nền “kinh tế vì dân” với việc tăng gấp 10 lần ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp – nguồn kiếm sống của 70% dân số Indonesia.

Trong khi đó ông Joko Widodo, ngoài sự quan tâm tương tự đến lĩnh vực nông nghiệp, còn hứa hẹn một chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo.

Theo kết quả kiểm phiếu nhanh, toàn bộ 12 đảng đủ điều kiện tham gia cuộc bầu cử lập pháp ở Indonesai hôm 9/4 đều không đạt mức quy định số phiếu tối thiểu 25% để có thể tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 9/7 tới.

Đạt số phiếu cao nhất là PDI-P cũng chỉ xấp xỉ 19%, tiếp theo là các đảng Golkar (khoảng 14,5%), Gerindra (trên 11%), và đảng Dân chủ đứng đầu liên minh cầm quyền 6 đảng hiện nay do Tổng thống Yudhoyno làm Chủ tịch đã thất bại thảm hại, giảm từ mức 26% trong cuộc bầu cử lần trước, xuống còn chưa đến 10%.

Động thái này cũng đồng nghĩa với việc không đảng nào đủ điều kiện một mình đứng ra thành lập chính phủ cũng như được quyền đề cử ứng cử viên tổng thống, dẫn đến chính phủ mới ở Indonesia sẽ vẫn là một chính phủ lđa đảng và các đảng lớn phải liên minh để đáp ứng quy định đạt ít nhất 25% số phiếu cử tri hay 20% số ghế trong Quốc hội để được quyền đề cử ứng viên tranh cử tổng thống.

Cuộc bầu cử lập pháp vừa qua cũng cho thấy 5 đảng Hồi giáo sẽ là một đối tác hết sức quan trọng, và thực tế là các đảng này đang tìm cách liên minh với nhau do tổng số phiếu họ thu được đã tăng từ khoảng 29% năm 2009 lên hơn 32% trong cuộc bầu cử vừa qua. Trong khi đó cả PDI-P, Golkar và Gerindra đều đã công bố ứng cử viên tổng thống của riêng mình.

Vì vậy chính trường Indonesia hiện sôi động hơn cả cuộc bầu cử lập pháp trước đó, với chiến dịch cạnh tranh, vận động tìm kiếm đồng minh và liên minh với các cuộc thỏa thuận, mặc cả và ngã giá hết sức nóng bỏng.

WB nhấn mạnh rằng về mặt lịch sử, các chính phủ ở Indonesia thường dành sự quan tâm ít hơn cho các chương trình trợ giúp xã hội và cơ sở hạ tầng so với các nước láng giềng trong khu vực, nên tổng thống mới của Indonesia sẽ cần phải dành ưu tiên cho cả hai vấn đề này để cắt giảm nghèo đói và tận dụng được lợi thế có được tỷ lệ dân số vàng về mặt nhân khẩu học hiện nay cảu quốc đảo.

Và để thực hiện được điều này, cải cách cơ cấu cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt với một quyết tâm mạnh mẽ nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục