Hàn-Mỹ vẫn khác biệt lớn về chi phí quốc phòng và vấn đề Triều Tiên

Một báo cáo cho biết sự phối hợp giữa hai nước “ngày càng mâu thuẫn và khó đoán định” dưới thời chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump hiện nay.
Hàn-Mỹ vẫn khác biệt lớn về chi phí quốc phòng và vấn đề Triều Tiên ảnh 1Binh sỹ Mỹ và Hàn Quốc tại lễ kỷ niệm ngày ký Hiệp ước quân sự chung Mỹ-Hàn ở căn cứ quân sự Yongsan thuộc Seoul (Hàn Quốc). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hàn Quốc và Mỹ vẫn tồn tại “những khác biệt lớn” trong cách xử lý vấn đề Triều Tiên và chia sẻ chi phí duy trì quân đội Mỹ đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Đây là nội dung được đưa ra trong báo cáo cập nhật của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS).

Theo Yonhap ngày 23/5, báo cáo của CRS cho biết sự phối hợp giữa hai nước “ngày càng mâu thuẫn và khó đoán định” dưới thời chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump hiện nay.

[Thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng Mỹ-Hàn bắt đầu có hiệu lực]

Báo cáo nêu rõ hai bên vẫn tồn tại những khác biệt lớn về các vấn đề chính sách như liệu có nhượng bộ đối với Triều Tiên hay không và với điều kiện nào, và cách chia sẻ các chi phí duy trì liên minh Mỹ-Hàn.

Về vấn đề Triều Tiên, báo cáo cho rằng Tổng thống Moon ủng hộ chiến dịch “gây sức ép tối đa” của ông Trump, nhưng cũng theo đuổi hợp tác với Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang do các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên năm 2017, chính quyền của Tổng thống Trump liên tiếp đưa ra khả năng tiến hành “tấn công phủ đầu” Triều Tiên.

Báo cáo cho rằng khi đó, khả năng này sẽ dẫn đến nguy cơ Triều Tiên đáp trả Hàn Quốc, dường như khiến Tổng thống Moon tin rằng Mỹ, chứ không phải là Triều Tiên, là mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đối với an ninh Hàn Quốc.

Nội dung này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên đang đình trệ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Hà Nội hồi tháng Hai vừa qua kết thúc mà không có thỏa thuận.

Tổng thống Hàn Quốc đề xuất tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, như một phần trong nỗ lực phá vỡ bế tắc trong quan hệ liên Triều và đàm phán phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn chưa có phản hồi chính thức về đề xuất này trong một tháng qua.

Về mặt kinh tế, báo cáo trên cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành xuất khẩu của Iran và những hạn chế nhập khẩu khác đối với Hàn Quốc đang khiến chính quyền Seoul gia tăng lo ngại.

Theo báo cáo, chính quyền của ông Trump có xu hướng thay đổi quan điểm chính sách, do đó bất ngờ làm gia tăng yếu tố bất ổn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.