Hàn Quốc áp dụng thẻ phòng dịch để khôi phục đời sống thường nhật

Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho rằng sau khi triển khai kế hoạch khôi phục đời sống thường nhật, tâm lý chủ quan của người dân đã làm gia tăng số ca nhiễm mới.
Hàn Quốc áp dụng thẻ phòng dịch để khôi phục đời sống thường nhật ảnh 1Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Goyang, phía tây bắc Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/11/2021. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 25/11, Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật của Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành phiên họp lần thứ 4 do Thủ tướng Kim Boo-kyum và đồng Chủ tịch Ủy ban Choe Jae-chun chủ trì để đánh giá về tình hình dịch bệnh COVID-19.

Tại cuộc họp, các chuyên gia khuyến nghị mở rộng diện áp dụng “Thẻ phòng dịch” (xác nhận hoàn tất tiêm chủng và xét nghiệm âm tính với COVID-19) tại thủ đô Seoul và địa phương lân cận, nơi tập trung phần lớn ca nhiễm trên cả nước.

Nhóm thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi sẽ được bổ sung vào danh sách đối tượng áp dụng quy định này, thay vì chỉ với độ tuổi trên 18 như hiện nay. 

Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Kwon Deok-cheol cho rằng sau khi triển khai kế hoạch khôi phục đời sống thường nhật, tâm lý chủ quan của người dân đã làm gia tăng số ca nhiễm mới ở các nhóm người cao tuổi, thanh thiếu niên và ở nhóm người đã hoàn tất tiêm chủng. Số ca nhập viện và diễn biến nghiêm trọng cũng tăng.

Nhằm đối phó với tình trạng trên, Bộ Y tế và Phúc lợi quyết định chuyển đổi hệ thống y tế sang đẩy mạnh điều trị tại nhà và mở rộng số giường bệnh, bên cạnh đó là nhanh chóng triển khai tiêm chủng vaccine mũi bổ sung và hạn chế số người chưa tiêm chủng tham gia hội họp đông người.

Bộ cũng sẽ phối hợp với ban ngành chính phủ tăng cường rà soát phòng dịch theo khu vực.

[Hàn Quốc ghi nhận hàng loạt "kỷ lục buồn" trong dịch COVID-19]

Trong khi đó, Bộ trưởng Hành chính và An toàn Jeon Hae-cheol cho biết sẽ tiến hành thăm dò ý kiến để nắm bắt nhận thức của người dân về chính sách khôi phục đời sống thường nhật, sau đó xúc tiến công tác triển khai phù hợp với đặc thù từng địa phương theo đơn vị tỉnh, thành phố và quận, huyện.

Trả lời phỏng vấn báo giới sau cuộc họp, ông Son Young-rae, chiến lược gia dịch tễ học cao cấp thuộc Cơ quan Quản lý thảm họa trung ương cho biết các biện pháp cứng rắn hơn đang được thảo luận nhưng chính phủ vẫn để ngỏ tất cả các lựa chọn, bao gồm cả việc áp dụng trở lại các quy định về giãn cách xã hội.

Tính đến ngày 26/11, Hàn Quốc ghi nhận thêm 3.901 trường hợp nhiễm COVID-19. Số ca bệnh nặng trong 24 giờ qua tăng cao chưa từng thấy lên tổng cộng 617, trong khi có 39 ca tử vong.

Công suất sử dụng giường bệnh dành cho bệnh nhân nặng trên cả nước đã vượt quá 71%, trong khi ở thủ đô Seoul và địa phương lân cận, tỷ lệ này đã lên tới 84%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.