Hàn Quốc bày tỏ thái độ việc Thủ tướng Nhật gửi đồ lễ đến đền Yasukuni

Hàn Quốc cho rằng nếu Tokyo có thái độ như vậy được thể hiện qua hành động, quan hệ giữa hai nước sẽ tiến triển hướng tới tương lai và Nhật Bản có thể khôi phục lòng tin từ các quốc gia láng giềng.
Hàn Quốc bày tỏ thái độ việc Thủ tướng Nhật gửi đồ lễ đến đền Yasukuni ảnh 1Đồ lễ do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi tới đền Yasukuni ở thủ đô Tokyo ngày 17/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/10, Hàn Quốc đã bày tỏ "rất lấy làm tiếc" về việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước đó cùng ngày gửi đồ lễ tới đền Yasukuni vốn bị xem là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong quá khứ.

Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Chính phủ (Hàn Quốc) rất lấy làm tiếc về thực tế là các nhà lãnh đạo chính phủ và quốc hội Nhật Bản một lần nữa gửi đồ lễ hoặc đến viếng đền Yasukuni."

Bộ trên cũng kêu gọi các chính trị gia Nhật Bản có thái độ "chân thành suy ngẫm về lịch sử quá khứ," cho rằng nếu Tokyo có thái độ như vậy được thể hiện qua hành động, quan hệ giữa hai nước sẽ tiến triển hướng tới tương lai và Nhật Bản có thể khôi phục lòng tin từ các quốc gia láng giềng.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Abe đã gửi đồ lễ tới ngôi đền vốn được coi là nguồn gốc tranh cãi ngoại giao giữa Nhật Bản và các nước láng giềng liên quan đến quá khứ của Nhật Bản.

[Một bộ trưởng Nhật Bản viếng đền Yasukuni dịp lễ hội mùa Thu]

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Okinawa và vùng lãnh thổ phương Bắc (vùng quần đảo tranh chấp với Nga mà Moskva gọi là Nam Kuril), Seiichi Eto ngày 17/10 cũng đã đến viếng đền Yasukuni ở Tokyo nhân dịp lễ hội mùa Thu. Đây là lần đầu tiên trong hơn 2 năm rưỡi qua, một bộ trưởng trong Chính phủ Nhật Bản tới thăm đền Yasukuni.

Đền Yasukuni là nơi thờ hơn 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, trong đó có thành phần bị xem là tội phạm chiến tranh hạng A.

Hàn Quốc và Trung Quốc coi đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật thế kỷ 20 và cho rằng việc các quan chức hay nghị sỹ Nhật Bản viếng đền là nhằm "đánh bóng" lịch sử thời chiến của nước này, do đó các chuyến thăm viếng đền này đều vấp phải sự phản đối mạnh của 2 nước láng giềng Đông Bắc Á.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, sau khi các tòa án Hàn Quốc cuối năm 2018 ra phán quyết các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên.

Căng thẳng leo thang khi Nhật Bản ngày 4/7 siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất chip điện tử và màn hình sang thị trường Hàn Quốc.

Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul đối với các mặt hàng nhạy cảm lỏng lẻo.

Phía Hàn Quốc đã phản đối mạnh các động thái trên của Nhật Bản, cho rằng đó là hành động trả đũa các phán quyết của tòa án Hàn Quốc và có thể phá hỏng các nguyên tắc thương mại tự do, cũng như ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Hàn Quốc cũng đã loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.